SearchNews

Người mua nhà khó tính hơn sau sự cố cháy chung cư

16/03/2010 09:37

Sau vụ cháy chung cư JSC 34 (Hà Nội), khách mua căn hộ quan tâm nhiều hơn đến hệ thống báo cháy, báo khói, hầm chứa rác, lối thoát hiểm của tòa nhà, bảo hiểm công trình..., điều mà trước đây ít ai lưu ý.

Sau vụ cháy chung cư JSC 34 (Hà Nội), khách mua căn hộ quan tâm nhiều hơn đến hệ thống báo cháy, báo khói, hầm chứa rác, lối thoát hiểm của tòa nhà, bảo hiểm công trình..., điều mà trước đây ít ai lưu ý.

Tại hai đô thị lớn nhất nước như TP HCM và Hà Nội, phân khúc nhà chung cư vẫn được khách hàng quan tâm, khảo sát nhiều. Tuy nhiên, những ngày qua, điều được khách hàng đặt ra không phải là các quyết định mua bán mà là những băn khoăn, thắc mắc về vấn đề an toàn, đặc biệt phòng cháy chữa cháy hiệu quả đến đâu.

Sắp kết hôn và chuẩn bị ra riêng, anh Đạt, (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đang cùng bà xã tương lai tìm mua nhà tại một sàn địa ốc ở Gò Vấp nói: “Chúng tôi đã chấm được một số chung cư có giá dưới 1 tỷ đồng, dự tính sẽ chọn và quyết định mua vào giữa năm nay. Song vụ cháy ở Hà Nội thức tỉnh tôi nhiều điều".

Anh Đạt chưa bao giờ ở nhà chung cư nên vợ chồng anh không biết nên lưu tâm việc gì ngoài vị trí và giá cả. Rồi khi nghĩ đến sự cố hỏa hoạn, cháy nổ, động đất, anh vô cùng băn khoăn, lo ngại chuyện thoát hiểm như thế nào trong các tòa nhà cao tầng bít bùng. Thậm chí, vị khách hàng này còn đề cập đến chi tiết bảo hiểm công trình khi khảo sát thông tin dự án.

Những người đã ký hợp đồng mua nhà chung cư cũng hoang mang không kém. Chị Hà đã đặt cọc và đóng 10% số tiền mua căn hộ chung cư ở quận 8, TP HCM bộc bạch: "Điều vợ chồng tôi quan tâm nhất là căn hộ có giá rẻ, hướng nhà, giao thông. Tôi chẳng hiểu gì về phòng cháy chữa cháy, báo nhiệt, báo khói, thoát hiểm... cho đến khi hay tin có người chết ngạt ở chung cư ngoài Hà Nội".

Nhân viên môi giới một sàn địa ốc trên địa bàn quận 7 cho hay kể từ khi xảy ra vụ cháy chung cư ở Hà Nội, những cuộc gọi của khách hàng chủ yếu thắc mắc chuyện dự án họ đã mua có hệ thống rác như thế nào, doanh nghiệp dành bao nhiêu kinh phí đầu tư hệ thống phòng cháy chữa cháy, ai sẽ mua bảo hiểm tòa nhà...

"Những thắc mắc như trên chưa bao giờ được đặt ra trước đó, thậm chí khi mua ai nấy chỉ quan tâm vị trí ở đâu, tầng mấy, có tiện đi lại không, giá "mềm" hay "cứng", thủ tục ký kết ra sao...", anh nhân viên môi giới nhà đất kể.

Tại Hà Nội, tâm lý khách mua nhà chung cư dao động mạnh hơn cả TP HCM. Đang chọn mua nhà cho con trai cả, bà Thúy Anh (ngụ chung cư Văn Khê) bị ám ảnh về tòa nhà cao tầng lại không có các thiết bị phòng cháy chữa cháy. Trước đây bà thích mua căn hộ ở tầng cao để tận hưởng không gian thoáng đãng và ít bụi, nhưng đến nay, bà đã thay đổi quan niệm và cho rằng, căn hộ an toàn nhất là tầng 1-9. "Thiết bị phòng cháy chữa cháy chỉ có thể vươn đến tầng 10 của tòa nhà. Nếu chọn vị trí ở dưới tầng 10, trong trường hợp hỏa hoạn có thể tự buộc dây màn hoặc kéo dây thừng thừng thoát hiểm", bà nói.

 

Còn anh Hải, nhân viên PR của một công ty viễn thông sắp mua một căn góc ở tầng 14 ở khu Trung Hòa Nhân Chính tỏ ra cẩn thận đến độ làm người môi giới ngạc nhiên. Đến xem trực tiếp thiết bị phòng cháy chữa cháy của khu chung cư, đề nghị được thuyết trình và hướng dẫn về hệ thống bình cứu hỏa, chuông báo cháy xong, anh Hải mới chồng tiền. Trước đó, người đàn ông này chỉ chọn căn hộ với các tiêu chí: căn góc, rộng 106 m2, 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp núc vệ sinh đầy đủ, hướng đông nam, giá 26,6 triệu mỗi m2.

Giám đốc Công ty bất động sản B.D.S Lê Xuân Trường cũng cho biết vụ cháy chung cư 18 tầng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý người dân khi mua nhà. Theo ông, hầu hết chung cư bình dân chưa có thiết bị chữa cháy tự động. Các căn hộ cao cấp với trang thiết bị phòng cháy chữa cháy hiện đại thì lại quá đắt đỏ. Những người dân ít tiền thường không có nhiều sự lựa chọn, do đó, dù sống ở chung cư hay nhà riêng lẻ, vấn đề ý thức vẫn được đặt lên hàng đầu. "Thị trường chưa có biến động lớn sau vụ cháy tòa nhà chung cư nhưng chắc chắn tâm lý người dân sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng", ông nói.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển căn hộ Nam Long Lê Huỳnh Cương Nghị cho rằng, có thể tâm lý bất an nhất thời sau sự cố cháy sẽ khiến khách hàng ngần ngại đưa ra quyết định mua căn hộ chung cư. Song, xét trên cơ sở khoa học, chung cư luôn được thiết kế và thi công đạt chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy mới được hoàn công. Tối thiểu một toà nhà cao tầng trước khi đi vào sử dụng đều phải trải qua ít nhất 5 khâu kiểm tra: nhà thầu, thiết kế, hạ tầng kỹ thuật (điện, nước), môi trường (hệ thống thu gom rác, xử lý chất thải), phòng cháy chữa cháy.

Kiến trúc sư Đoàn Trịnh Hiển, Giảng viên trường Đại học Kiến trúc TP HCM phân tích, các tai nạn hỏa hoạn ở nhà cao tầng chỉ là hy hữu và không hề làm giảm đi sức hấp dẫn của nhà chung cư. Bởi lẽ, tuy chỉ mới thịnh hành tại Việt Nam khoảng 15 năm nay nhưng chung cư là xu thế tất yếu tại những đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội.

Thứ nhất, quỹ đất tại các thành phố lớn không nhiều trong khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh như vũ bão. Thứ hai, nhà chung cư đáp ứng được các tiêu chí: tiện nghi, an toàn, riêng tư, giá thành vừa phải, tạo điều kiện thuận lợi đối với người dân đô thị, đặc biệt là giới trí thức trẻ.

Theo ông Hiển, người dân có thể sẽ mất thêm một thời gian nữa để làm quen với nếp sống cao tầng nhưng rất khó đi ngược lại xu thế chung. Tai nạn như hỏa hoạn, cháy nổ, động đất chỉ là những trường hợp hy hữu. Nếu tuân thủ đúng các tiêu chuẩn về thiết kế nhà cao tầng thì chung cư lại có độ an toàn cao hơn nhà riêng lẻ. Vấn đề cần được cải thiện ở đây chính là khâu hậu kiểm các thiết bị và chỉ tiêu thiết kế đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Ngoài ra, cần đặt vai trò của ban quản lý, ban quản trị các tòa nhà lên hàng đầu trong việc hướng dẫn, tập huấn và tuyên truyền

kiến thức tối thiểu về phòng cháy chữa cháy cho người mua hoặc ở nhà chung cư.

(Theo Vnexpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu