Tuần qua, một sàn giao dịch địa ốc ở Corona (bang California) đã chứng kiến vụ mua bán "kỷ lục". Một căn nhà tại đây được bán với giá 198.000 USD, trong khi cách đây gần hai năm, nó được mua về 450.000 USD.
Tình hình giao dịch bất động sản tại Mỹ nói riêng và toàn thế giới nói chung đang trong giai đoạn khủng hoảng khiến nhiều chủ của các bất động sản mua để kinh doanh đã không còn trụ lại được nữa. Tháng 5 vừa qua, giá giảm tới mức kỷ lục 16% so với thời điểm một năm trước đó. Nhưng hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng, mức giảm giá này vẫn chưa đủ để cho thấy có sự hồi phục sớm.
Ngoài ra, bắt đầu từ quý hai vừa qua, 75% các ngân hàng tại Mỹ đã tiến hành các biện pháp thặt chặt tín dụng, đặc biệt với cho vay bất động sản. Những khách hàng thân tín lâu nay cũng không phải ngoại lệ.
Chính vì điều này, theo các nhà phân tích kinh tế, chưa có bất kỳ dấu hiệu khả quan nào cho thấy có thể kết thúc đợt giảm giá, cho tới trước năm 2010. "Giá bất động sản tại Mỹ chắc chắn sẽ bắt đầu ổn định và dần trải qua giai đoạn khó khăn trong nửa đầu của năm 2009. Nhưng không thể loại trừ khả năng sẽ còn tiếp tục giảm trong năm 2009, thậm chí cả sau đó", Cựu chủ tịch của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Alan Greenspan, cho biết.
Theo một đại diện khác của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bất động sản hiện là một trong những thị trường rủi ro nhất nền kinh tế Mỹ. Hồi cuối tháng 7, ông này đã cảnh báo rằng tình trạng tịch thu tài sản thế nợ và ế ẩm sẽ còn tăng cao trong năm tới. Và do vậy, giá nhà đất chắc chắn sẽ còn tiếp tục giảm".
Số lượng nhà rao bán nhưng không có người hỏi mua cũng tăng cao. Trong số những căn nhà bán hiện nay, có căn đã được rao từ 11 tháng trước. Người bán đang dần giảm bớt mọi kỳ vọng của họ đối với thị trường, nhưng tình hình có vẻ không khả quan nhiều.
Dù vậy, theo một cuộc thăm dò mới đây, giá nhà đất, cho dù giảm thấp, vẫn còn quá xa vời đối với nhiều tầng lớp trong xã hội. Giá nhà đất hiện đã xuống ngang mức giữa năm 2004, nhưng vẫn cao hơn khoảng 34% so với giá của 2002. Những nơi có giá nhà đất cao nhất vẫn là Los Angeles, Las Vegas và Miami.
Tâm Anh (theo AFP)