Mô hình nhà nghỉ dưỡng (NND) tại VN phát triển rầm rộ khoảng hai năm nay. Tuy nhiên, dù thị trường bất động sản du lịch là tiềm năng, nhưng vẫn chứa đựng lắm rủi ro.
Nhiều ưu thế
Với hơn ba ngàn cây số bờ biển, VN có ưu thế để các nhà đầu tư khai thác thị trường NND ven biển. Phân khúc thị trường này, chủ đầu tư chủ yếu nhắm vào các đối tượng có "của để dành" hoặc có nguồn tài chính ổn định, có nhu cầu cần một không gian riêng để nghỉ dưỡng. Nơi đó, họ có thể thư giãn, vui chơi cùng gia đình, bạn bè. Ngoài thời gian để nghỉ dưỡng, chủ sở hữu NND có thể thu hồi vốn từ việc cho thuê lại.
Theo báo cáo từ Công ty tư vấn bất động sản CBRE, ở thị trường NND, đa số các dự án khai thác cảnh quan và địa điểm ven biển, tập trung ở khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Cát Bà... Gần đây, một số chủ đầu tư đã chuyển hướng vào mảng biệt thự nghỉ dưỡng miền sơn cước. Khung cảnh đồi núi tự nhiên, biệt lập với cộng đồng dân cư nhưng vẫn đảm bảo những tiện ích cơ bản... là những yếu tố tạo nên sức hút. Các dự án này chủ yếu tập trung ở Ba Vì, Lương Sơn, Đại Lải...
Các đơn vị làm du lịch thừa nhận, thị trường NND đang được nhiều người nhắm đến vì những ưu thế riêng. Xét về mặt kinh tế, khách du lịch thuê NND sẽ rẻ hơn nhiều so với thuê phòng ở các resort. Chính vì thế, sẽ tạo ra thế cạnh tranh, buộc các khu nghỉ dưỡng phải "coi lại" chất lượng. Đặc biệt, khi nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách trong và ngoài nước đang có chiều hướng tăng cao do nền kinh tế phục hồi, phát triển NND sẽ thu lại một nguồn lợi nhuận không nhỏ cho ngành du lịch. Bởi du khách ở các nước phát triển đang có nhu cầu chuyển đến những nước có chi phí thấp để tránh đông.
Mức giá phổ biến cho dòng sản phẩm này dao động từ 3,5 triệu đồng đến 30 triệu đồng mỗi m2. Diện tích trung bình của một NND khoảng 105m2-500m2. Nhiều dự án cung cấp sản phẩm hoàn thiện nhưng có giá cao. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khách hàng có nhu cầu thực thụ chưa nhiều, chủ yếu vẫn là nhà đầu tư thứ cấp.
Những cảnh báo
Các ưu thế về bãi biển đẹp, khí hậu thuận lợi... dường như vẫn chưa là yếu tố quyết định để chiến lược phát triển NND tại VN thành công. Ở các nước, để có nguồn thu lớn thì NND phải nằm trong khu du lịch tổng hợp hoặc có vị trí gần đó để người sở hữu NND có thể sử dụng các tiện ích đi kèm. Nhìn lại các dự án của ta, NND thường nằm trong một phần dự án của khu nghỉ dưỡng, sân golf riêng lẻ, nên các dịch vụ dịch vụ vui chơi giải trí, thư giãn, mua sắm chỉ có khả năng phục vụ cho khách của nội khu. Như vậy, nếu rơi vào mùa cao điểm du lịch, những nơi này sẽ có khả năng bị quá tải.
Ngay như các khu nghỉ dưỡng ở Tiến Thành - Bình Thuận, với hơn 31 dự án đã được cấp phép (tổng vốn đầu tư lên đến 18.000 tỷ đồng), được xem là nhiều dự án nhất hiện nay, nhưng mỗi dự án vẫn chỉ là một "thế giới riêng", không mang tính cộng đồng. Cơ sở hạ tầng chung của toàn khu vực cũng không được quan tâm. Vì thế, nhiều khách hàng có khả năng nhưng buộc phải phân vân.
Cũng theo số liệu của CBRE, các dự án NND của cả nước trong ba năm tới sẽ cung cấp trên 7.000 biệt thự và trên 1.000 căn hộ. Song, phần lớn các dự án này đều có diện tích nhỏ, trên dưới 50ha, và hầu hết không có điều kiện để xây dựng các hạng mục đồng bộ, đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí kết hợp du lịch.
Theo ông Marc Townsend - Tổng giám đốc điều hành Công ty TNHH CB Richard Ellis (VN), phải tách bạch giữa việc nâng cao chất lượng du lịch thông qua NND, và đầu tư về bất động sản nhà ở. Vị trí, tiện ích sống, dịch vụ kèm theo quanh khu vực NND là yếu tố cần được quan tâm khi chọn địa điểm đầu tư. Sự có mặt của những đơn vị quản lý chuyên nghiệp cũng là yếu tố giúp khách hàng nghỉ dưỡng an tâm.
Ở khía cạnh tư vấn, bà Lê Công Ái Huyên - đại diện Công ty tư vấn bất động sản du lịch Béton, cho rằng, lựa chọn dự án để phân phối là điều quan trọng, làm sao để khách hàng đầu tư ít gặp rủi ro.
(Theo PN TPHCM)