Dịch vụ nhằm kiếm tiền chênh lệch từ nhà ở xã hội tuy là những giao dịch ngầm nhưng thông tin lại hoàn toàn công khai trên mạng internet.
Không khó để tìm kiếm thông tin, số điện thoại nhận làm hồ sơ mua
nhà ở xã hội trên mạng internet
Dự án nhà ở xã hội tại ô đất có ký hiệu C11-ODK4 thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai được rất nhiều người thu nhập thấp quan tâm. Đây là một trong những dự án có vị trí khá thuận lợi, gần trung tâm Hà Nội. Chủ đầu tư hiện tại của dự án là Công ty CP Đầu tư xây dựng NHS đang tiếp nhận hồ sơ đăng ký mua nhà đợt 1, thời hạn đến hết ngày 28/2/2017.
Trên website của Sở Xây dựng Hà Nội đã ghi rõ, chỉ có một địa chỉ tiếp nhận hồ sơ mua nhà. Tuy nhiên, trên mạng internet, nhan nhản các trang web, trang mạng xã hội thông tin về việc nhận làm hồ sơ mua nhà ở xã hội tại dự án này.
Liên hệ theo một số điện thoại, phóng viên được người tư vấn cho biết, giá bán mỗi m2 căn hộ tại dự án này khi vào hợp đồng khoảng 14,1 đến 14,2 triệu đồng chưa bao gồm VAT và phí bảo trì. Người này lưu ý, nếu muốn chắc chắn được mua nhà thì khách hàng phải mất tiền chênh, khi đó hồ sơ chắc chắn được duyệt. Người tư vấn này cho biết, tiền chênh lệch là 60 triệu đồng do bên làm dịch vụ thu tiền xong vẫn phải nộp cho chủ đầu tư, không làm trực tiếp với từng khách hàng mà vẫn qua một số đơn vị riêng vì nhà ở xã hội thực tế không được bán ra ngoài. Người mua nhà theo đó cần làm 2 hồ sơ riêng, khi khai hồ sơ mua nhà chỉ cần ghi mức thu nhập dưới 9 triệu đồng, trong hồ sơ vay ngân hàng thì khai càng cao càng tốt.
Liên hệ tới một số điện thoại khác, người tư vấn đã giới thiệu nhận làm hồ sơ mua nhà cho rất nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội, như dự án Bright City tại huyện Hoài Đức, dự án nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an ở phường Cổ Nhuế 2 tại quận Bắc Từ Liêm, dự án nhà ở xã hội ở Nguyễn Huy Tưởng tại quận Thanh Xuân…
Khi hỏi về mức chênh khi mua lại một suất nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sỹ Bộ Công an ở phường Cổ Nhuế 2, người tư vấn cho biết, giá ở Cổ Nhuế giá khoảng 15 triệu đồng nhưng khoản bên ngoài đắt hơn vài trăm triệu. Thời điểm trước, giá nhận hồ sơ là 15 triệu đồng/m2. Giá của hiện tại đang là gần 17 triệu đồng/m2 chưa tính chênh lệch. Mức giá này đã có VAT tuy nhiên chưa có phí bảo trì.
Đa số các đối tượng làm hồ sơ mua nhà ở xã hội đều nhận có quan hệ riêng với chủ đầu tư, có suất ngoại giao… Tại không ít buổi bốc thăm mua nhà ở xã hội, một số người còn nói là “người nhà”, “người của chủ đầu tư” đã đặt vấn đề trả ngay hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để mua lại suất nhà ở xã hội của người trúng thăm. Ngay sau đó, căn hộ nhà ở xã hội lại có thể chào bán cho những người khác với giá chênh tăng gấp nhiều lần.
Một người đã từng bốc thăm mua nhà ở xã hội chia sẻ từng tham gia bốc thăm mua căn hộ, rất may mắn là được chủ đầu tư thông báo được quyền mua căn hộ. Sau khi bốc thăm xong, khách hàng này thấy có nhiều số điện thoại lạ gọi với mục đích hỏi mua lại căn hộ của nhưng do chưa có nhà ở nên vị khách hàng này không bán.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw đưa ra phân tích, thời gian qua, rất nhiều đối tượng thực hiện hành vi trục lợi nhằm thu lợi bất chính từ nhà ở xã hội, phổ biến là việc nhận làm hồ sơ mua nhà. Những người này thực hiện thông qua các giao dịch ngầm để đối phó với cơ quan chức năng.
Các hành vi này là hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nhà ở xã hội. Nếu chủ đầu tư có hành vi móc nối với các đối tượng trên sẽ là hành vi vi phạm quy định của Luật Nhà ở và Nghị định của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, có thể đối mặt với hình thức xử lý vi phạm hành chính liên quan trong lĩnh vực xây dựng và nhà ở, trường hợp nghiêm trọng có thể bị xem xét khởi tố hình sự.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho biết thêm, các hành vi sai phạm trên hiện mới chỉ dừng ở việc nếu phát hiện ra thì phạt tiền, thu hồi, nên chưa tạo được sức răn đe và chưa hiệu quả. Hơn nữa, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng thanh tra mỏng, cũng chưa kiểm tra sát sao nên các giao dịch này khó xử lý, nhiều giao dịch đã trót lọt, không bị phát hiện. Hiện nay, việc xét duyệt, tiếp nhận hồ sơ người mua nhà đều giao cho chủ đầu tư thực hiện, chủ đầu tư chỉ cần báo cáo bằng văn bản cho Sở Xây dựng biết và kiểm tra. Việc quản lý nhà ở xã hội của cơ quan nhà nước nên bắt đầu từ tiền kiểm, kiểm tra ngay từ khâu nhận, xét duyệt hồ sơ cho đến hậu kiểm, như vậy có thể giảm thiểu được việc vi phạm mua bán nhà ở xã hội hiện nay.
Nếu để các hành vi trục lợi nhà ở xã hội thành công, người thiệt hại đầu tiên là những người thu nhập thấp đang cần nhà ở. Điều này được lý giải bởi khi đó, nguồn cung nhà xã hội càng ít đi, cơ hội cho người thu nhập thấp càng ít đi. Thậm chí, có nhiều người đã bị lừa, mất tiền mà nhà lại không mua được.