Sau khi có những thông tin về việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân cho việc chuyển nhượng nhà, đất “lúa non”, giá nhà, đất đã có dấu hiệu giảm từ 5% đến 10% so với tháng 8-2009
Dù thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với nhà, đất mua bán dưới hình thức “lúa non” (hợp đồng góp vốn, hợp đồng hứa mua - hứa bán... - PV) kể từ ngày 26-9 mới chính thức áp dụng, song thị trường bất động sản (BĐS) TPHCM đã có những dấu hiệu giá nhà, đất bắt đầu giảm thêm, khách hàng chào bán nhiều hơn trước, còn giao dịch hầu như không có.
Chạy đua né thuế?
Chưa hình thành một làn sóng lớn ồ ạt “xả hàng” để chạy thuế TNCN, tuy nhiên thị trường hiện đang đón nhận sự chào bán số lượng khá lớn các sản phẩm nhà, đất ở nhiều dự án. Bởi điều nhiều nhà đầu tư thật sự lo ngại về cách áp thuế TNCN.
Qua khảo sát tại các sàn giao dịch BĐS ở khu Nam Sài Gòn đã xuất hiện các quảng cáo như: “Bán một lô đất trong dự án Him Lam – Kênh Tẽ, quận 7, giá 40 triệu đồng/m2, chỉ bán giá này trong vòng một tuần”; “Dự án Thái Sơn 1, quận 7, lô J, H, K giá rẻ không tưởng 13 -15 triệu đồng/m2...”; “Cần tiền bán gấp các nền đất tại quận 9, ưu tiên giảm thêm 5% - 10% cho người gọi trong tuần lễ đầu...”.
Anh Lâm Thái, chủ một văn phòng môi giới giao dịch, cho biết: “Chưa bao giờ thị trường BĐS lại lên “cơn sốt” chạy hàng như hiện nay, bởi đa số khách hàng đang có tâm lý ngại khoản thuế phải nộp”.
Anh Thái đưa ra một ví dụ để minh họa: “Một nền đất diện tích 100 m2 trong dự án Him Lam – Kênh Tẽ, trước đây góp vốn 8 triệu đồng/m2, nay giá thị trường khoảng 40 triệu đồng/m2. Như vậy, trên lý thuyết, người bán phải chịu một khoản thuế là 800 triệu đồng”.
Anh Thái cho rằng: Nếu áp thuế theo kiểu này sẽ khiến cho những nhà đầu tư đang nắm giữ nhà, đất như hiện nay sẽ thiệt. Bởi các nền đất trong dự án này ít nhất phải qua tay hàng chục nhà đầu tư khác nhau, mỗi người hưởng lợi một ít nay cứ lấy giá ngọn, trừ giá gốc rồi “dồn” thuế lên người cuối sẽ là không công bằng...
Được biết, mới đây, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, dù đã đưa ra thông tin “trấn an” là khách hàng có quyền được lựa chọn mức thuế suất để đóng 2% thay vì 25% nếu cảm thấy có lợi cho mình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hết lo lắng, bởi nếu Tổng cục Thuế chưa có văn bản hướng dẫn, chắc chắn các cán bộ thuế sẽ không dám vượt quyền và kết quả là ách hồ sơ.
Anh Trọng Nghĩa, một nhân viên môi giới nhà, đất ở quận 2, cho rằng khách hàng cần được áp dụng mức thuế thấp hơn nữa, tức chỉ khoảng 1% trên tổng số tiền giao dịch của một hợp đồng.
Bởi mức thuế này còn khuyến khích mọi người tham gia vào thị trường mua bán. Qua khảo sát thị trường nhà, đất trong 2 tuần qua, sau khi có thông tin về việc áp thuế TNCN cho nhà, đất mua bán “lúa non”, giá nhà, đất mỗi ngày giảm một ít, hiện từ 5% đến 10% so với tháng 8-2009.
Đầu tư hay mua bán?
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, sau khi có thông tin về việc chuyển nhượng phần vốn góp phải chịu thuế 25%, hiện bước đầu hiệp hội đang tập hợp các ý kiến bức xúc của các hội viên để có kiến nghị chính thức cho ngành thuế. Tuy vậy, về quan điểm cá nhân, ông Châu băn khoăn: Trong Luật Kinh doanh BĐS có đề cập loại hình mua bán nhà, đất hình thành trong tương lai.
Như vậy, trong thời điểm nhà, đất còn ở dạng “lúa non”, việc áp thuế như BĐS đã có chủ quyền là chưa hợp lý. Bởi tại thời điểm mua bán, tài sản chưa hình thành hoặc mới chỉ hình thành một phần...
Ông Châu nhận định thêm: Ở đây việc mua bán có thể cũng giống như đầu tư tài chính, bởi khách hàng thường góp vốn với chủ đầu tư để thực hiện dự án rồi sau đó mua nền đất, căn hộ trên tinh thần lời ăn lỗ chịu.
Rõ ràng, nếu cho rằng đây là hoạt động đầu tư thì theo quy định hiện hành, lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư tài chính sẽ chịu thuế suất 5% nhưng phải đến năm sau (năm 2010- PV) mới thực thi. “Như vậy, cần làm rõ đâu là hoạt động đầu tư tài chính và đâu là góp vốn mua bán BĐS hình thành trong tương lai. Bởi nếu không, sẽ có một sự hiểu lầm là Thông tư 161 của Bộ Tài chính còn vượt cả luật...?”.
Còn dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Châu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc Him Lam, cho rằng: “Ngành thuế bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS chỉ làm thủ tục chuyển nhượng hợp đồng góp vốn về quyền mua nền, căn hộ từ người mua cũ sang người mua mới sau khi người mua cũ đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế TNCN. Mặt khác, ngành thuế còn bắt doanh nghiệp phải làm phần việc của ngành thuế như lưu trữ hồ sơ, “gác cửa” cho các giao dịch...
Thông tư “đè” luật?
Khi được hỏi liệu với việc đánh thuế lợi nhuận có được từ chuyển nhượng hợp đồng góp vốn mua bán BĐS với thuế suất 25%, hầu hết các công ty môi giới mua bán BĐS đều cho rằng điều này sẽ tác động mạnh mẽ lên thị trường. Bên cạnh đó, nhiều hợp đồng mua bán nhà, đất “lúa non” đang nằm ở dạng đầu tư tài chính, nếu cứ nhốt chung vào “rọ” rồi áp thuế như vậy là không thuyết phục, không hợp lý. Chưa kể giữa Luật Kinh doanh BĐS và Thông tư 161 của Bộ Tài chính về hướng dẫn đánh thuế TNCN đang có dấu hiệu tréo ngoe, nếu không muốn nói Thông tư 161 đang “đè” lên Luật Kinh doanh BĐS. |
(Theo NLĐ)