Cùng với cơn sốt ở phân khúc nhà ở bình dân, thị trường càng thêm sôi động khi nhiều dự án thương mại cao cấp tái khởi động sau các thương vụ chuyển nhượng đình đám.
Mới đây nhất phải kể đến lễ khởi công khu biệt thự cao cấp Raffles với vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD diễn ra hồi đầu tháng 11 tại bờ biển Non Nước (Đà Nẵng) do Tập đoàn Vingroup làm chủ đâu tư. Có thể nói đây là dự án lận đận nhất bởi sau gần 6 năm, qua hai tay đại gia ngoại là Công ty TNHH Vegas Hotel & Villas và Công ty Magnum, dự án mới được tái khởi công.
Thương vụ chuyển nhượng dự án nhà ở cao cấp, văn phòng, khách sạn 5 sao Hanoi City Complex do tập đoàn lớn thứ 5 Hàn Quốc Lotte mua lại từ tập đoàn Deawoo cũng thu hút sự chú ý của giới thạo tin. Dự án được tái khởi động vào ngày 22/10 vừa qua sau hơn 4 tháng dừng. Nằm tại vị trí “đắc địa” đường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội, với vốn đầu tư lên đến 400 triệu USD, cao 65 tầng, dự án này được đánh giá là tòa nhà cao thứ hai tại Việt Nam sau Keangnam. Trước đó, dự án được khởi công vào đầu năm 2007. Tuy nhiên vào đầu tháng 6 vừa qua, chủ đầu tư đã buộc phải dừng dự án do khó khăn về mặt tài chính.
Ngoài ra còn phải kể đến cuộc chạy đua nắm quyền vận xây dựng khách sạn 5 sao Lotus (Hà Nội) giữa tập đoàn Kinh Bắc, Vinaconex và Công ty Sản xuất thương mại và xây dựng Thiên Thanh sau khi Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) xin rút lui. Mặc dù chưa có quyết định chính thức từ phía thành phố nhưng sau khi Vinaconex và Công ty Sản xuất thương mại và xây dựng Thiên Thanh từ bỏ cuộc chơi, Tập đoàn Kinh Bắc được coi là ứng cử viên sáng giá nhất. Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Kinh Bắc cho hay, Tập đoàn sẽ khởi công dự án kể từ sau khi có quyết định chính thức bàn giao. "Chúng tôi đã chuẩn bị tiền vốn, nhân lực, đơn vị thi công, nhà quản lý, thiết kế đồng thời hợp tác với đoàn Kumhoo Aseana (Hàn Quốc) để hoàn thành dự án trong vòng 24 tháng", ông Tâm khẳng định.
Trong khi giá đất tại nhiều khu vực Hà Nội tăng chóng mặt, cá biệt phía Tây thành phố tăng đến 20-30 % cùng nhiều dự án bất động sản cao cấp đồng loạt tái khởi động khiến thị trường địa ốc càng thêm sôi động. Điều đáng nói là nhiều dự án tái khởi động trong thời gian qua đều do các doanh nghiệp mua lại. Các chuyên gia cho rằng năm 2009 là thời gian khó khăn với tất cả các doanh nghiệp lớn nhỏ tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới do hậu quả của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng đây cũng là cơ hội vàng để các doanh nghiệp nắm bắt.
Ông Thành Tâm lý giải: "Khủng hoảng kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài gặp không ít khó khăn dẫn đến việc phải áp dụng chiến lược co cụm. Họ phải thoát khỏi Việt Nam bằng mọi giá, thậm chí chuyển nhượng lại dự án với chi phí rẻ để tập trung đầu tư ở nước bản xứ". Cũng theo ông Đặng Thành Tâm, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ phát triển, đặc biệt vào thời điểm quý 2/2010. Thời gian đóng băng vừa qua chỉ là tiền đề cho sự phát triển trong thời gian tới.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch tập đoàn Vingroup (chủ đầu tư dự án Raffles) cũng cho rằng, năm 2009 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp mua lại dự án bất động sản của các công ty bị khủng hoảng. Cũng theo ông Hiệp cần phải xét đến yếu tố thời điểm để thời gian hoàn thành dự án cũng là lúc thị trường hồi phục. "Chúng tôi sẽ triển khai ngay để dự án có thể đi vào hoạt động vào năm 2011. Đây cũng chính là thời điểm các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản sẽ được phục hồi và tăng giá mạnh. Như vậy chúng tôi có thể đón đầu cơ hội khi thị trường hồi phục và phát triển", Ông Lê Khắc Hiệp khẳng định.
Ngoài ra, theo giới kinh doanh địa ốc, nhu cầu về nhà ở cao cấp tại Việt Nam nói chung và đặc biệt là tại Hà Nội nói riêng vẫn còn rất lớn. Tiêu biểu nhất là buổi giới thiệu về dự án Starclass diễn ra hồi đầu năm 2009 tại khách sạn Melia đã thu hút hàng nghìn người tham dự. Các dự án căn hộ cao cấp như Mulberry Lane (Hà Đông) hay Tricon Towers (Bắc An Khánh) mới giới thiệu nhà mẫu đã có nhiều người đặt mua.
Ông Đặng Thành Tâm phân tích, mặc dù nhu cầu về nhà thu nhập trung bình còn lớn nhưng thị trường bất động sản cao cấp là rất cần thiết đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng hay Hải Phòng. "Dự án nhà cao cấp vẫn còn sẽ rất có tiềm năng trong tương lai bởi phân khúc này thể hiện sự phát triển cao của xã hội đồng thời tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài", ông Tâm nhấn mạnh
Khi tiếp nhận dự án, doanh nghiệp có ưu thế là tiết kiệm thời gian để tiến hành thủ tục pháp lý. Thêm vào đó, giá chuyển nhượng rẻ hơn rất nhiều so với chi phí mà doanh nghiệp trước đó bỏ ra. Tuy nhiên ông Tâm cũng cảnh báo, công ty sẽ gặp rất nhiều rủi ro nếu vốn ít, năng lực quản lý có hạn. "Nếu doanh nghiệp mua lại dự án chưa lường hết sức mình, khả năng quản lý, điều phối dự án non kém sẽ dẫn tới năng lực bị tiêu hao. Và đương nhiên, họ sẽ bị triệt tiêu theo quy luật thị trường", ông Tâm nhận định.
(Theo Hoàng Lan/Vnexpress)