Thực trạng này đang diễn ra khắp cả nước, nhiều khu đất đắc địa được cấp phép cho nhà đầu tư làm dự án, trong đó có những dự án “hét vốn” lên đến cả tỉ USD nhưng sau bao năm xí chỗ, nay cũng chỉ là bãi đất trống.
Huyện Nhơn Trạch được quy hoạch là TP vệ tinh nằm giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM, một thời thu hút các nhà đầu tư rầm rộ nhưng giờ đây chỉ là các khu đất trống hoang vu, những công trình mọc lên dang dở, um tùm cỏ dại.
TP mới... bỏ hoang
Ngay trung tâm Nhơn Trạch, nơi đóng đô của các cơ quan hành chính cũng chỉ lác đác vài người qua lại, làm việc. Lùi ra phía sau một chút, nơi được quy hoạch những dự án tầm cỡ cũng trong tình cảnh… hoang vu. Khu đô thị mới Long Thọ - Phước An là một ví dụ. Khu đô thị này rộng hơn 220ha, bắt đầu triển khai từ đầu năm 2005 do Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Đến nay, phần lớn khu đô thị với các quy hoạch bệnh viện, trường học, ngân hàng, khu vui chơi giải trí đều đang bỏ không, chỉ có một khu biệt thự rất lớn được xây xong nhưng lại trở nên hoang phế, để mặc cho nhện giăng, rêu phong kín. Bên cạnh đó còn nhiều “siêu dự án” khác cũng “nằm vạ”. Chẳng hạn như dự án khu đô thị mới Long Tân - Phú Hội, dự án khu nhà ở Thiên Nam, dự án khu dân cư - thương mại Chợ Lớn… Theo thống kê, TP mới Nhơn Trạch hiện có khoảng 160 dự án lớn nhỏ, tuy nhiên số dự án được triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch, thừa nhận “tình hình hiện nay đang rối như tơ vò”. Nguyên nhân nhiều dự án tầm cỡ bị đình trệ là do vướng ở khâu thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và nhà đầu tư gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, có một nguyên nhân quan trọng là việc thu hút, thẩm định nhà đầu tư của chính quyền địa phương không chặt chẽ, tạo sự lỏng lẻo để các doanh nghiệp thi nhau đăng ký “thả cửa”, nhiều nhà đầu tư không đủ điều kiện, năng lực, vẫn cố xí phần để đó, nay bỏ của chạy lấy người.
Dự án tỉ USD “bể” giữa TP biển
Sau bao năm chờ đợi, cuối cùng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đành chấp nhận sự thật: Dự án khu công viên văn hóa thế giới có vốn đăng ký 1,3 tỉ USD là… ảo.
Dự án trên do Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam đăng ký đầu tư, là dự án phức hợp vui chơi giải trí, du lịch lớn nhất từ trước tới nay của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với các hạng mục: khu khách sạn 5 sao với 2.500 phòng; cụm khách sạn 4 sao hơn 4.000 phòng; khu vui chơi giải trí với các trò chơi cảm giác mạnh; khu thủy cung, danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới thu nhỏ; khu trung tâm triển lãm, hội nghị, hội thảo quốc tế… Toàn bộ dự án nằm trên vùng đất rộng hơn 130ha tại khu vực Bàu Trũng (phường Nguyễn An Ninh - TP Vũng Tàu), thuộc vào vị trí đắc địa, được cấp phép từ đầu năm 2008. Trong khoảng thời gian này, người dân và cả chính quyền địa phương đặt vào đây nhiều kỳ vọng: Nếu thành hiện thực, dự án “tỉ đô” này sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho TP Vũng Tàu. Thế nhưng cuối cùng, vùng “đất vàng” này vẫn trong cảnh hoang vu, um tùm cỏ dại, rất nhiều nhà xây dựng trái phép đang mọc lên… Khi thấy dự án “trùm mền” quá lâu, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều lần liên lạc với chủ đầu tư nhưng vẫn không được, còn nhà đầu tư nước ngoài cùng với tất cả những lời hứa hẹn đã “không cánh mà bay”.
Cuối tháng 11-2011, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và UBND TP Vũng Tàu, sau khi tham khảo ý kiến của các sở, ngành liên quan, đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép đầu tư dự án. Hiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng để chính thức rút giấy phép đầu tư của dự án này. Ông Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết vào thời điểm cấp phép cho dự án, tỉnh đang trong thời kỳ thực hiện chủ trương thu hút đầu tư, luôn tìm cách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nên “thấy có nhà đầu tư lớn là mừng”. Vào thời điểm đó, Luật Đầu tư cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thẩm định nhà đầu tư nên tỉnh chủ yếu chỉ dựa trên những gì nhà đầu tư cung cấp.
Với Công ty TNHH Good Choice USA - Việt Nam, theo tìm hiểu của chúng tôi, giám đốc công ty này là một Việt kiều Mỹ tên John Tan Hung N. Thời điểm xin cấp phép đầu tư dự án, ông N. được xem là một nhà đầu tư “có máu mặt”. Do vậy, trong quá trình cấp phép, chính quyền địa phương chỉ dựa vào những lời hứa rồi tin tưởng, hoàn toàn không xác minh cụ thể hoặc ra điều kiện để có thể ràng buộc. Hậu quả, với một dự án “bánh vẽ” to tướng, trong chừng ấy thời gian một vùng đất đắc địa của tỉnh phải bỏ hoang, trong khi cơ hội lần lượt trôi qua với nhiều nhà đầu tư khác. Bên cạnh đó, nhiều hệ lụy cũng đến với người dân địa phương: Cuộc sống không ổn định, giá đất trong vùng thấp thỏm lên xuống theo từng giai đoạn của dự án khiến người dân không biết thế nào mà lần!
Mệt mỏi giải quyết hậu quả
Ngoài dự án khu công viên văn hóa thế giới, tại tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu còn một số dự án tỉ USD khác cũng đang nằm trong nhóm “đèn đỏ”. Đó là như dự án du lịch Saigon Atlantis Hotel, vốn đầu tư 4,1 tỉ USD; dự án Skybridge Dragon Sea tổng vốn đầu tư hơn 900 triệu USD, hiện vẫn đang giẫm chân tại chỗ.
Đầu tháng 11vừa qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành văn bản thu hồi giấy phép đầu tư của 4 dự án du lịch trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, gồm: Khu du lịch sinh thái sân golf Hồng Nhung, khu du lịch Apec Việt Nam, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Mỹ Land SJC và khu điều dưỡng Vietsovpetro. Ngoài ra, theo thông tin từ Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện trên địa bàn còn gần 50 dự án thuộc diện có thể bị thu hồi.
Còn Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều dự án nằm trong diện bị thu hồi nhất, trong đó TP mới Nhơn Trạch luôn là một “điểm nóng”. Theo dự kiến ban đầu, đến năm 2015, Nhơn Trạch sẽ hình thành diện mạo TP mới, tuy nhiên với đà này thì chưa biết đến đâu. Bà Bồ Thị Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đồng Nai, nói: “Đây là vấn đề phức tạp, không thể nói một cách ngắn gọn được, nếu giải thích cụ thể rõ ràng thì cần phải có thời gian”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thu hồi các dự án luôn là việc chẳng đặng đừng bởi sau khi thu hồi thì giải quyết hậu quả cũng… hết sức mệt mỏi.
|
(Theo Người lao động)