SearchNews

Quận 12 (TP.HCM) cảnh báo nạn lừa đảo mua bán nhà đất qua vi bằng

27/05/2019 08:06

Nội dung thông báo của quận 12 (TP.HCM) đăng tải trên website của UBND quận nêu rõ, trên địa bàn quận thời gian qua xuất không ít trường hợp mua bán nhà đất qua vi bằng tại các văn phòng Thừa phát lại. Do đó, chính quyền quận 12 kêu gọi người dân cảnh giác những thủ đoạn lừa đảo giao dịch bất động sản qua hình thức này.

Được biết, đây là việc mua bán những ngôi nhà "3 chung" gồm chung số nhà, chung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chung giấy phép xây dựng. Mặt khác, việc mua bán nhà đất qua vi bằng được thực hiện nhiều lần; sang tay qua nhiều người; giấy tờ, hồ sơ chưa đúng quy định hiện hành và cơ sở pháp lý cũng chưa đầy đủ.

Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, thực hiện chuyển nhượng, mua bán nhà đất qua vi bằng, thu gom đất xây nhà và rao bán bằng thừa phát lại hòng kiếm lời.

Những đối tượng này đã nhờ văn phòng Thừa phát lại lập vi bằng đối với các căn nhà không có giấy chứng nhận, được mua bán thông qua giấy viết tay nhằm lấy lòng tin của khách hàng. Trên thực tế, không ít ngôi nhà chung giấy chứng nhận đã được bán bằng hình thức lập vi bằng, đồng sở hữu. Mua bán qua vi bằng, nhiều người vướng vào nhà đất xây dựng trái phép, cầm cố ngân hàng hoặc tranh chấp khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn.

lừa đảo mua bán nhà đất qua vi bằng
UBND quận 12 (TP.HCM) cảnh bảo người dân thủ đoạn lừa đảo mua bán nhà đất qua vi bằng. Trong ảnh: Nhà chung sổ hồng ở quận 12 được rao bán trên thị trường trực tuyến. (Nguồn ảnh: 5home.asia)

Hợp đồng thế chấp, tặng cho, góp vốn, chuyển nhượng, thế chấp bằng quyền sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất (gồm cả nhà ở và nhà ở thương mại) theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai phải được chứng thực, công chức đúng theo quy định hiện hành. 

Trong khi đó, vi bằng được lập bởi Thừa phát lại chỉ có giá trị ghi nhận hành vi, sự kiện sử dụng làm chứng cứ trong xét xử cũng như trong các quan hệ pháp luật khác. Điều 25, Nghị định 135 ngày 18/10/2013 nêu rõ, Thừa phát lại được lập vi bằng những hành vi, sự kiện xảy ra trên địa bàn tỉnh, nơi Thừa phát lại đặt văn phòng. Để người dân nắm rõ, những trường hợp cụ thể có thể lập vi bằng được UBND quận 12 liệt kê chi tiết, cụ thể như sau:

Các trường hợp xác định hàng giả được bày bán tại cơ sở thương mại, kinh doanh; xác nhận việc chiếm giữ trụ sở, nhà ở, tài sản trước khi ly hôn, thừa kế, tài sản khác trái pháp luật; xác nhận tình trạng nhà đất bị lấn chiếm; hiện trạng nhà trước khi mua hoặc cho thuê; tình trạng nhà liền kề trước khi xây dựng công trình.

Đối với các trường hợp như tình trạng công trình trước khi nghiệm thu; tiến độ thi công công trình chậm trễ; mức độ ô nhiễm; tổ chức cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; giao hàng kém chất lượng có thể được lập vi bằng để xác nhận.

Bên cạnh đó, những việc không thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp; các giao dịch không thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật... cũng có thể được lập vi bằng để xác nhận.

Sở Tư pháp có quyền từ chối vi bằng được lập bởi văn phòng Thừa phát lại theo quy định tại Khoản 5, Điều 26, Nghị định số 135 nói trên. Nếu bị từ chối, vi bằng sẽ không có giá trị chứng cứ để tòa án xem xét giải quyết vụ án. Đồng thời, theo quy định của pháp luật, vi bằng bị từ chối cũng không còn là căn cứ để thực hiện những giao dịch hợp pháp khác. 

Do đó, UBND quận 12 đã kêu gọi người dân không thực hiện chuyển nhượng, mua bán nhà đất bằng giấy viết tay thông qua hình thức lập vi bằng. Động thái nhằm giúp người dân tránh bị những đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo mua bán nhà, đất phân lô chưa đủ điều kiện pháp lý để tiến hành giao dịch.

Theo UBND quận 12, sở dĩ người dân nên tránh chuyển nhượng, mua bán nhà đất qua vi bằng bởi 3 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, theo quy định hiện hành, vi bằng không phải là văn bản chứng thực, công chứng. 

Thứ hai, tính hợp pháp của các giao dịch, hợp đồng về nhà đất không được xác nhận, chứng nhận qua vi bằng.

Thứ ba, việc lập vi bằng chuyển nhượng, mua bán nhà đất theo hình thức ghi nhận việc giao nhận nền đất, ghi nhận việc giao nhận tiền nhằm che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. 

Được biết, huyện Hóc Môn năm 2017 cũng từng phát cảnh báo nạn lừa đảo bán nhà đất giấy tay qua hình thức lập vi bằng đối với loại nhà "3 chung" trên địa bàn huyện này.

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu