Hà Nội sẽ có 489 chợ, 162 các loại trung tâm thương mại, 178 đại siêu thị và siêu thị. Đó là những con số trong bản quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Dự án quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng của Thành phố nói chung và tăng trưởng của ngành nói riêng, trong đó có tính đến vai trò dẫn hướng, lan tỏa của Hà Nội với vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận. Bảo đảm các hệ thống phân phối bao gồm nhiều kênh, nhiều phương thức kinh doanh, nhiều thành phần tham gia, huy động được nhiều nguồn lực; xây dựng năng lực cạnh tranh cao và có tác động tích cực trong quan hệ với những ngành, lĩnh vực khác.
Theo bà Nguyễn Thị Như Mai- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện Hà Nội có 402 cơ sở thương mại gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) phân bổ trên tất cả các quận, huyện, trong đó tập trung nhiều nhất tại các khu vực đô thị.
Đáng chú ý là mạng lưới siêu thị và TTTM đang từng bước hình thành, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động thương mại, chỉnh trang và nâng cấp mức độ văn minh đô thị trên địa bàn. Trước thực tiễn quy mô, không qian và cơ hội phát triển mới của Thành phố, ngành Công Thương đang xây dựng một quy hoạch hoàn chỉnh và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài, bền vững để khẳng định vai trò, vị thế Thủ đô- Trung tâm thương mại, dịch vụ của miền Bắc, cả nước cũng như mang tầm khu vực.
Theo Dự án quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ không xây dựng chợ ở 4 quận nội thành cũ, hạn chế xây dựng mới các chợ ở các quận, lựa chọn nâng cấp chợ quy mô lớn thành trung tâm mua sắm kết hợp chợ dân sinh. Sẽ hình thành 2 chợ đầu mối bán buôn nông sản- thực phẩm tổng hợp cấp vùng thuộc 2 huyện Gia Lâm và Thường Tín, một số chợ đầu mối nông sản tổng hợp và chuyên doanh ở quận Hoàng Mai và các huyện Từ Liêm, Ứng Hòa, Ba Vì, Mê Linh.
Dự án cũng đề xuất xây dựng 2 trung tâm mua sắp cấp quốc gia tại huyện Đan Phượng và huyện Thạch Thất với quy mô khoảng 500.000m2; xây dựng 5 trung tâm bán buôn tổng hợp tại các huyện Gia Lâm, Sóc sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất và Thường Tín với quy mô từ 150 đến 200ha.
Đánh giá về Dự án quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo lưu ý, Sở Công Thương Hà Nội và đơn vị tư vấn cần bám sát định hướng, quy hoạch phát triển KT-XH tổng thể của Thủ đô, các vấn đề liên quan đến hệ thống giao thông và xây dựng của Thành phố để để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình hoàn thiện quy hoạch.
Việc định ra vị trí của từng cơ sở thương mại cụ thể cần phải được nghiên cứu kỹ, nghiêm túc và khả thi để tránh tình trạng chợ xây xong mà thiếu sức sống, thiếu hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, các nhà quy hoạch cũng nên điều tra kỹ về nhu cầu tiêu dùng đồng thời tham khảo, chắt lọc ý kiến đóng góp của các ngành khác để kết hợp và bổ sung thông tin nhằm đưa ra dự báo sát thực, từ đó làm tốt công tác quy hoạch.
(Theo Công Thương)