SearchNews

Sốt đất Mỹ Đình vì tin đồn

10/09/2009 13:53

Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư và người dân đổ xô tìm mua nhà đất trong xã Mỹ Đình, TP Hà Nội, làm cho thị trường BĐS ở đây ngày càng “nóng”.

Thời gian gần đây, nhiều chủ đầu tư và người dân đổ xô tìm mua nhà đất trong xã Mỹ Đình, TP Hà Nội, làm cho thị trường BĐS ở đây ngày càng “nóng”.

Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng trên là thông tin liên quan đến việc Mỹ Đình sắp trở thành quận.

Giá đất “tăng nhiệt” theo ngày

Trong vai một người tìm mua nhà, phóng viên đã không khỏi giật mình trước giá đất ở đây so với thời điểm cách đây hai tháng. Đất trong ngõ luôn ở mức 28 - 31 triệu đ/m2, căn hộ chung cư ở khu đô thị Mỹ Đình 1 có giá 20 triệu đ/m2.

Nếu như vào đầu năm giá một mảnh đất tại đây là 19 triệu đ/m2 thì bây giờ có thể bán được trên 25 triệu đ/m2. Một mảnh đất ở gần chợ Đình Thôn có diện tích 46,5m2 được rao bán 30 triệu đ/m2.

Chủ căn hộ trên, bà Phạm Trà My nói: “Cách đây nửa tháng, có người trả tôi 28,5 triệu đ/m2, nhưng tôi không bán. Từ giờ đến cuối năm chắc chắn sẽ còn lên nữa vì ở đây sắp lên quận rồi”.

Ông Ngô Doãn Huy, chuyên gia tư vấn của Cty môi giới BĐS Hoaselink cho biết: “Hiện nay đất ở khu vực xã Mỹ Đình đang lên cao, theo tôi có thể kéo dài từ giờ đến cuối năm 2009. Đắt nhất vẫn là khu vực gần Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, tại đây đã có những hợp đồng mua bán thành công với giá 30 - 40 triệu đ/m2”.

Giá đất cao, người mua ngỡ ngàng thì đều được chủ nhà giải thích với nhiều lý lẽ khác nhau, nhưng đều có chung một câu là “ở đây sắp lên quận, cuối năm nhiều người mua”, đồng thời kiên quyết giữ đúng giá định ra không hơn không kém.

Nếu khách có ý định mua thì phải đặt cọc trước, vì giá đất có thể bị chủ nhà đẩy lên chỉ sau vài ngày. Có trường hợp, sau khi thoả thuận, chủ nhà đồng ý bán với giá 1,1 tỷ.

Người mua về quê đi rút tiền ngân hàng và vay mượn, nửa tháng sau quay lại thì chủ đất đã đẩy lên 1,25 tỷ, không bớt một xu. Gặp phải những tình huống đó, khách mua chỉ biết cắn răng chồng thêm tiền hoặc chọn mảnh đất khác.

“Đục nước béo cò”

Giá đất ngày một cao kèm theo lượng người ra vào các văn phòng giao dịch BĐS ở đây tấp nập hơn hẳn. Bà Trần Thị Hoa, chủ văn phòng tư vấn BĐS Phú Thịnh cho biết thời điểm này năm ngoái khách ít, chủ yếu đến tham khảo giá chứ không có mấy người mang theo tiền đặt cọc giao dịch.

Nhưng năm nay thì văn phòng của bà ngày nào cũng tiếp 10 - 20 lượt người. Tháng trước văn phòng bà đã thực hiện được 10 hợp đồng mua bán thành công, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

“Càng ngày càng có nhiều người đổ về đây để mua. Giới thiệu về Cầu Diễn, hay Bưu điện Từ Liêm họ không thích đâu. Khoảng một tháng nữa kiểu gì cũng tăng giá mới. Nói chung giá đất cứ ngày một tăng lên chứ không giảm”, bà Hoa nói.

Dân ở đây ai cũng kháo nhau rằng xã Mỹ Đình sắp lên quận, mặc dù cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức của UBND TP Hà Nội. Tình trạng trên đã đẩy giá đất ở đây cao hơn hẳn so với vùng lân cận khác.

Nếu như một căn hộ chung cư ở khu đô thị Mỹ Đình II giá hồi đầu năm chỉ khoảng 1,2 tỷ đ/căn rộng 100m2, thì đến nay chủ nhà bán với giá trên 1,5 tỷ đồng. Có "cò đất" thời gian qua đã kiếm cả trăm triệu nhờ hưởng chênh lệch giao dịch mua bán, và tiền phần trăm (thường là 0,5%) giá trị chuyển nhượng.

Có một thực tế là đôi khi giá nhà đất được tạo nên bởi chính tâm lý muốn có nhà ở trong quận của người dân, cùng với đó là các chiêu bài gây "sốt ảo" của các trung tâm môi giới nhằm "ăn rơ" với người bán. Nhưng thủ đoạn phổ biến nhất vẫn là đăng tin rao bán trên mạng miễn phí, với những mức giá cao hơn bình thường, tạo khung giá ảo cho người mua.

Cao tay hơn, có trung tâm còn kèm theo dòng chữ "miễn trung gian” để tạo niềm tin cho người đọc. Vì chỉ cần thuyết phục người mua tăng thêm 1 triệu đ/m2 so với giá chủ nhà đưa ra là “cò đất” có thể thu về cả trăm triệu đồng.

Vẫn biết giá đất luôn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như đầu cơ, làn sóng "truyền miệng" giá cao, vùng quy hoạch. Tuy nhiên nếu như người dân không có chung tâm lý ở gần trung tâm thành phố, thì chắc chắn sẽ không thể tạo ra những "cơn sốt đất".

Vì vậy, trước khi bỏ một gia tài lớn để mua, người mua nên tham khảo kỹ giá và nên trực tiếp thoả thuận với người cần bán.

(Theo Xây dựng)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu