Trong khi Chính phủ đang ra sức khuyến khích nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội (NoXH) và nguồn cầu nhà ở giá rẻ luôn ở mức cao, việc chống ế cho loại hình nhà này dường như không cần quan tâm. Tuy nhiên, với những gì đang diễn tại các dự án nhà ở giá thấp thời gian gần đây, nỗi lo này lại hiển hiện.
Giá rẻ vẫn chê
Theo thông tin từ CTCP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai, hiện có khoảng 30 khách hàng làm đơn xin trả lại nhà, thanh lý hợp đồng tại dự án Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội). Trong đó, có 5 trường hợp đã được chủ đầu tư chấp thuận thanh lý hợp đồng. Ngoài ra, dự án còn khoảng 100 khách hàng chưa nộp tiền và nhận bàn giao nhà. Rất nhiều trong số này vẫn còn nợ trên 500 triệu đồng, tức hơn 50% giá trị hợp đồng.
Lý do người dân không muốn nhận nhà bởi khó khăn về kinh tế. Mặt khác, thị trường BĐS liên tục giảm giá khiến nhiều khách hàng mua nhà muốn rút vốn để mua đất nền, hoặc căn hộ tại các dự án nhà thương mại.
Theo ông Nguyễn Văn Đa, Phó Tổng giám đốc Vinaconex Xuân Mai, từ khi hoàn thành dự án đến nay, chủ đầu tư đã nhiều lần gửi văn bản thông báo khách hàng đến nộp tiền để nhận nhà, thậm chí cử cán bộ đến tận nhà thúc khách mua nhà, nhưng tình trạng không được cải thiện. Chủ đầu tư cũng sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để người mua nhà được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, nhưng đến nay tòa nhà vẫn có hàng trăm căn hộ còn trống.
Trên thực tế, tình trạng người dân chê dự án nhà ở thu nhập thấp, NoXH không chỉ diễn ra thời gian gần đây. Sau thời kỳ gây sốt trên thị trường BĐS, các dự án này nhanh chóng nguội lạnh, bất chấp giá thành được xem là khá hấp dẫn.
Ngoài Kiến Hưng, một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp khác như Sài Đồng, Đặng Xá… sau khi mở bán, số lượng hồ sơ chủ đầu tư nhận được rất khiêm tốn. Vì thế, trong khi nguồn cung cho phân khúc này vẫn được đánh giá là hạn chế, việc ế ẩm tại một trong những dự án từng được nhận xét là rất hút, đang khiến những ai quan tâm đến thị trường BĐS không khỏi lo ngại.
Khi điểm mạnh thành điểm yếu
Giá thành là điểm hấp dẫn nhất của các dự án nhà ở giá thấp, NoXH. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu khiến nhiều dự án NoXH mất đi lợi thế của mình. Để đảm bảo giá rẻ, một số dự án nhà ở cho người thu nhập thấp được xây dựng tại những địa điểm xa trung tâm thành phố, thiếu hụt về hạ tầng như chợ dân sinh, trường học, bệnh viện... khiến việc sinh hoạt của người dân không được thuận tiện.
Bên cạnh đó, mức giá chưa thực sự thấp, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phân khúc nhà thương mại bình dân, đã khiến nhà ở giá thấp, NoXH bị cạnh tranh quyết liệt. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, các dự án nhà ở khi được hỗ trợ nhiều, hoặc được bao cấp chắc chắn tính cạnh tranh sẽ giảm vì chủ đầu tư không còn chú trọng việc phải thu hút khách mua nữa.
Chính tình trạng này đã dẫn đến các dự án nhà này bị thất sủng khi người mua có thể dễ dàng lựa chọn những căn hộ ngang giá, không phải qua xét duyệt, chưa kể còn nhận được sự hỗ trợ từ phía chủ đầu tư, thậm chí ngân hàng.
Trên thực tế, thực trạng người dân đòi trả nhà cho người thu nhập thấp đã khiến nhiều chuyên gia BĐS lo ngại về tình trạng ế ẩm NoXH, nhà ở cho người thu nhập thấp trong tương lai, khi với sự hỗ trợ của Nhà nước, nguồn cung cho phân khúc này không ngừng tăng lên.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến nay cả nước đã có khoảng 167 dự án NoXH đang triển khai, trong đó 34 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã hoàn thành với quy mô 18.850 căn hộ, đang tiếp tục triển khai 32 dự án với quy mô gần 20.000 căn. Vì vậy, tăng sức hút cho các dự án nhà ở này như thế nào trong bối cảnh giá nhà ngày càng hạ, các dự án nhà ở thương mại vừa tiền xuất hiện ngày càng nhiều, đang trở thành nỗi lo của nhiều chủ đầu tư.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng Viglacera, thực tế cho thấy nhu cầu mua NoXH không ít, nhưng do giới hạn bởi một số quy định nên người mua bị hạn chế. Vấn đề đặt ra là doanh nghiệp phải quyết tâm, đặt mục tiêu lợi ích của khách hàng lên hàng đầu, dự án sẽ hút khách. Giá thấp nhưng chất lượng không thấp, tiện ích đầy đủ, thậm chí sẵn sàng cạnh tranh cởi mở với dự án nhà thương mại.
Trong bối cảnh thị trường BĐS còn trầm lắng, sự cạnh tranh lại cao, NoXH không còn là lối thoát hiểm dễ dàng cho nhiều chủ đầu tư, mà buộc họ phải có những tính toán lâu dài, những biện pháp tối ưu để có thể đưa giá thành về mức thấp nhất trong khi chất lượng phải đảm bảo. Đó là bài toán khó nhưng buộc các doanh nghiệp phải giải, nếu không muốn một lần nữa lặp lại câu chuyện của dự án Kiến Hưng.
NoXH không có nghĩa không cạnh tranh. Sự cạnh tranh sẽ buộc doanh nghiệp phải tính toán nhà ở chất lượng không thấp nhưng giá thành thấp, bằng việc vận dụng tối đa các thành tựu khoa học công nghệ trong xây dựng, thiết kế, sử dụng các vật liệu mới… để tiết kiệm chi phí.
Ông Nguyễn Trần Nam,Thứ trưởng Bộ Xây dựng
|
Theo saigondautu