Tham quan mô hình các dự án bất động sản. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Tổng Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam Marc Townsend nhận xét do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất trong tháng 3/2017 nên nhằm cải tổ lại cơ cấu vốn, hàng loạt ngân hàng thương mại của Việt Nam đã tăng lãi suất tiền gửi Việt Nam đồng dài hạn. Cho đến cuối quý 1, nhiều ngân hàng huy động vốn vay dài hạn lên tới 9,2%, tăng 1-2% so với thời điểm trước đó.
Ông Marc Townsend phân tích diễn biến này cần được xem xét và theo dõi tiếp bởi trong cả khoảng thời gian dài, lãi suất huy động tiền gửi của Việt Nam luôn giữ ổn định ở mức thấp. Do đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động lần này sẽ khiến áp lực lãi suất cho vay gia tăng theo. Yếu tố này có thể gây ra ảnh hưởng bất lợi đến thị trường bất động sản. Như vậy, đầu tư bất động sản đang đứng trước nỗi lo kém hiệu quả.
Trong khi đó, diễn biến của thị trường chứng khoán thời gian qua lại khá tốt. Lợi nhuận từ mảng đầu tư chứng khoán tại Việt Nam thậm chí còn gấp 2-3 lần so với hoạt động này tại một số nước trong khu vực. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư không còn tự tin với bất động sản và có thể chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn được đánh giá khá cao so với các nước trong khu vực. Lần đầu tiên CBRE tiến hành khảo sát mong muốn của các nhà đầu tư thì Việt Nam vẫn là nơi thu hút được sự quan tâm lớn, đứng thứ 4 sau Australia, Nhật Bản và Trung Quốc.
Một trong những điểm đáng được ghi nhận là Việt Nam là một trong hai nước có mức độ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng lớn nhất khu vực. Điều này đã giúp Việt Nam cải thiện đáng kể những vấn đề đang làm đau đầu các quốc gia lân cận như Thái Lan và Indonesia là vấn nạn tắc đường diễn ra hàng ngày.