Từ giữa năm 2016 đến tháng 2/2017, thị trường đất nền dọc hai bờ sông Hàn giao dịch sôi động, BĐS được mua đi bán lại nhiều lần nên bị “thổi giá” lên cao. Vào thời điểm đó, mặt bằng giá BĐS đã tăng lên 20 – 40% so với đầu năm 2016, thậm chí khu vực cầu Thuận Phước có nơi tăng trên 60%.
Nguyên nhân cho "cú" tăng giá này bắt nguồn từ việc Đà Nẵng rục rịch triển khai siêu dự hầm chui vượt sông Hàn. Ông Trần Ngọc Thành, Tổng giám đốc Đất xanh miền Trung cho biết: “Khi có dự án hầm chui thì không chỉ dự án của của chúng tôi đang đầu tư tăng giá mà bất động sản phía Đông cầu Thuận Phước đổ ra biển đều đồng loạt tăng. Bên cạnh đó, một số dự án khác "ngủ đông" nhiều năm qua cũng đã rục rịch triển khai”.
Thật vậy, trong thời gian dự án trên vẫn còn đang trong giai đoạn bàn thảo, nhiều nhà đầu tư thứ cấp đã rầm rộ "gom hàng" chờ thời cơ hưởng chênh lệch. Chẳng hạn với trường hợp của anh Mạnh Hà, nhân viên sale cho một số sàn tại Đà Nẵng. Vay mượn từ nhiều người thân, bạn bè để "đánh lớn", anh Hà đã ôm 10 nền đất của một dự án ngay chân cầu Thuận Phước. Anh cho biết, thời điểm đầu năm 2015 giá đất chào bán chỉ khoảng 8-12 triệu đồng/m2, nhưng nhiều dự báo cho thấy nếu dự án hầm vượt sông được thông qua sẽ tăng lên gấp 2-3 lần.
Tuy nhiên, trong suốt 6 tháng chờ đợi, lãi tiền vay vẫn phải trả, nhưng hiện nay siêu dự án của TP Đà Bẵng đã tạm dừng chờ bổ sung quy hoạch, anh Hà đang "ngồi trên đống lửa" do các giao dịch nhà đất khu vực này cũng "chững" lại một cách khá bất ngờ. Giá đất ở đây giờ không vượt quá 7 triệu đồng/m2. Những dự án đất nền/ nhà phố dọc sông Hàn đang giảm mạnh từ 45 triệu/m2 xuống còn 20 triệu/m2...
Một trường hợp khác, là một "cò" đất tại Sài Gòn, anh Bảo đã ra Đà Nẵng theo cơn sốt đất ở đây và mua vào 6 nền đất với giá gần 10 tỷ vào thời tháng 11/2015. Tuy nhiên, với tâm lý chờ đợi giá bán có thể sẽ tăng cao nên anh Bảo cứ "ôm" đất chờ thời, kết quả là đến nay anh đang rao bán 6 lô đất nằm gần khu dân cư NHO (cách vị trí hầm chui khoảng 2km) với giá hơn 6,5 tỷ để trở lại đầu tư vào Cần Giờ, TP.HCM nhưng đến nay "rao" khan cả cổ vẫn chưa bán được.
Vào thời điểm đầu năm 2016, giá đất ở một số khu vực Vân Đồn, rộng hơn là khu vực Nại Hiên Đông, Mân Thái, Mân Quang của quận Sơn Trà (nằm ở phía khu vực bờ đông dự án hầm chui sông Hàn) cũng tăng khá cao. Cụ thể, giá trung bình tại khu vực này từ 10-12 triệu đồng/m2, đã "phi mã" lên 25 - 30 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí, thậm chí cao hơn. Tuy nhiên, gần một tháng nay, giá nhà đất đã trở lại vị trí ban đầu, nhưng không cao hơn 15 triệu/m2.
Cách xa đó khoảng gần 4km, một số dự án đất nền nằm mặt tiền đường 2/9, gần cầu Trần Thị Lý lúc trước giá cũng tăng hơn 40%, nhưng qua khảo sát cho thấy giá chào bán tại một số sàn đang nằm ở mức 25-30 triệu/m2. Đây là khu vực được "kẹp" giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý, chạy dọc bờ sông Hàn, nhiều dự án đất nền đã được san lắp mặt bằng, hạ tầng giao thông nội bộ cũng đã được xây dựng khá hoàn chỉnh, nhưng phần lớn "hàng" đang được các môi giới nắm giữ.
Chị Trần Ngọc Xuân Trang, Giám đốc kinh doanh của công ty TN, kể rằng tại Đà Nẵng ngoài phân khúc căn hộ khách sạn ven biển vẫn tăng trưởng nóng, thị trường đất nền/nhà phố vẫn là phân khúc được ưa chuộng nhiều nhất.
Tuy nhiên, giao dịch tại các dự án trong bán kính 3-5km cách vị trí sẽ xây dựng hầm chui vượt sông đã có sự chững lại khá rõ rệt, đặc biệt giá chào bán đang giảm mạnh do nhiều sàn môi giới muốn "nhả hàng" ra lại thị trường do không kham nổi tiền lãi vay. Điều này trái ngược với cảnh người người tranh nhau săn mua cho bằng được một nền đất để chốt lời sớm tại đây.
"Không chỉ đây là lần đầu tiên nhiều người phải khóc mếu do bung số tiền lớn để mua vao đất nền do thông tin đầu tư các siêu dự án tạo nên. Trước tết, thông tin đồn thổi trung tâm hành chính sẽ được di dời về khu vực Hoà Xuân, lập tức giá đất ở đây tăng theo cấp số nhân. Nhưng sau đấy, chính quyền thành phố đã khẳng định chưa thực hiện kế hoạch lớn này, một lần nữa giá đất đã rơi mạnh chưa từng thấy", chị Trang nói thêm.