SearchNews

Thế giới đổ vốn vào địa ốc châu Á

05/07/2007 16:14

Châu Á đang chứng kiến một cuộc bùng nổ đầu tư cao ốc thương mại và các doanh nghiệp lắm tiền của trên toàn cầu phải cạnh tranh quyết liệt để tìm được nơi rót vốn.

Châu Á đang chứng kiến một cuộc bùng nổ đầu tư cao ốc thương mại và các doanh nghiệp lắm tiền của trên toàn cầu phải cạnh tranh quyết liệt để tìm được nơi rót vốn.  

Việc ngân hàng Morgan Stanley dự định bỏ ra 1 tỷ USD để mua một cao ốc văn phòng tại Seoul cho thấy các nhà đầu tư thế giới đang dồn sự quan tâm đặc biệt đến thị trường bất động sản Châu Á. Nó cũng phản ánh cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng và công ty quản lý quỹ để giành được những tòa nhà văn phòng tại thủ đô xứ kim chi, vốn bị các nhà đầu tư địa ốc nước ngoài bỏ quên. 

Sau khủng hoảng tài chính châu Á, Hàn Quốc tái cơ cấu kinh tế, giúp mở rộng cánh cửa thị trường bất động sản nước này. Tuy nhiên, dù nhiều người quan tâm đến địa ốc Hàn Quốc thì trước nay chưa từng có chuyện một tòa nhà đã 30 năm tuổi lại được trả giá đến 1 tỷ USD.

"Giá các tháp thương mại tại Hàn Quốc đã tăng vọt trong 6 tháng qua. Hiện cứ một khu bất động sản được tung ra thì có 10 người xếp hàng mua", Steven Craig, quyền giám đốc công ty tư vấn và môi giới bất động sản Jones Lang LaSalle tại Seoul, cho biết.  

Cuối tháng 6 năm ngoái, nhà đầu tư bất động sản số một trong số các ngân hàng Mỹ Morgan Stanley đã giành quyền mua trọn trụ sở 23 tầng của Daewoo và sẽ phải bỏ ra khá nhiều công sức và tiền bạc để cải tạo và biến nó thành một tháp văn phòng hiện đại. Để giành được vụ làm ăn này, Morgan đã phải vượt qua một loạt đối thủ - Macquarie Bank của Australia, Kookmin Bank của Hàn Quốc và Koramco Reits Management & Trust.  

Bùng nổ cao ốc thương mại

Hiện châu Á đã thực sự bị cuốn vào cuộc bùng nổ này. Nếu cuộc chuyển nhượng của Morgan Stanley thành công, nó sẽ là thương vụ đầu tiên của quỹ đầu tư địa ốc trị giá 8 tỷ USD mà Morgan lập ra để làm ăn tại thị trường bất động sản đang sôi sục của châu Á và các thị trường mới nổi khác. Các điểm đến quan trọng mà các nhà đầu tư quốc tế nhắm đến là Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ. Theo số liệu của Jones Lang LaSalle, thị trường cao ốc thương mại của khu vực châu Á Thái Bình Dương đã thu hút 94 tỷ USD trong năm 2006, tăng 42% so với năm trước.  

Thật ra vụ chuyển nhượng trị giá 1 tỷ USD mà Morgan Stanley đang tính toán chưa phải là vụ đầu tư bất động sản lớn nhất của hãng này tại châu Á. Tháng 4 vừa qua, Morgan đã hoàn tất hợp đồng trị giá 2,4 tỷ USD mua gọn 13 khách sạn cao cấp, trong đó có ANA InterContinental Tokyo và Manza Beach Hotel & Resort, từ All Nippon Airways.  

Và Morgan cũng chỉ là một trong những nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào thị trường Seoul. Ngoài hãng này còn có Merrill Lynch, Macquarie, GE Real Estate, Deutsche Bank, DIFA và Deutsche Immobilien Fonds của Đức, GIC và Ascendas của Singapore.

Nhiều cơ hội đầu tư

Cũng dễ hiểu lý do các nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Seoul. Các chuyên gia bất động sản dự báo, cầu đối với văn phòng cao cấp sẽ tiếp tục vượt cung trong những năm tới, trong đó Tokyo và Seoul hiện là 2 thị trường thiếu tháp văn phòng trầm trọng nhất. Tỷ lệ văn phòng cho thuê hạng A còn trống tại Seoul trong 2 quý đầu năm lần lượt là 3,4% và 1,3%.

Một nguồn cầu lớn khiến cho diện tích văn phòng cho thuê càng thiếu hụt là do các ngân hàng liên tục mở rộng hoạt động tại châu Á. Hầu hết các ngân hàng lớn - Merrill Lynch, Morgan Stanley, JPMorgan Chase và Lehman Brothers - đều đã tăng gấp đôi hệ thống dịch vụ trong vòng 2-3 năm qua.

Các công ty trong nước tại châu Á cũng đang gia nhập cuộc đua tìm các khu văn phòng cao cấp để tạo diện mạo chuyên nghiệp và môi trường làm việc năng động. Vì thế, giá thuê văn phòng liên tục leo thang. Trong vòng 3 năm qua, giá thuê tại trung tâm Seoul đều đặn tăng 6% mỗi năm.  

N.C. (theo BusinessWeek)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu