SearchNews

Thép nội xin được bảo vệ

12/04/2007 11:47

Nhập khẩu thép trong quý I tăng chóng mặt với kim ngạch hơn 1 tỷ USD khiến các nhà sản xuất tính chuyện đề nghị dùng biện pháp tự vệ. Trong khi đó, người tiêu dùng lại lo đợt sốt giá mới bắt đầu.

Nhập khẩu thép trong quý I tăng chóng mặt với kim ngạch hơn 1 tỷ USD khiến các nhà sản xuất tính chuyện đề nghị dùng biện pháp tự vệ. Trong khi đó, người tiêu dùng lại lo đợt sốt giá mới bắt đầu.

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép VN, quý I cả nước nhập khẩu hơn 2,4 triệu tấn thép, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thép cuộn nhập 151.732 tấn, bằng lượng nhập khẩu cả năm 2006. Thép cuộn nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc có giá bán thấp hơn thép sản xuất trong nước khoảng 300.000 đồng/tấn.

Tình trạng nhập khẩu tăng đột biến như trên bởi Trung Quốc chủ trương tăng thuế xuất khẩu phôi nhưng lại khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu thép thành phẩm bằng cách cho thoái hoàn 8% thuế VAT. Phôi tăng giá cao, thép nhập rẻ cạnh tranh quyết liệt khiến một số nhà máy phải dừng hoặc giảm sản lượng thép cuộn như công ty Hoà Phát, Việt - Hàn, Pomina. Trước tình hình này, Hiệp hội thép đang xem xét để kiến nghị lên các cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp tự vệ với thép cuộn nhập khẩu bằng cách tăng thuế nhập khẩu hoặc áp dụng quota.

Trong khi đó giá thép hiện được ghi nhận ở mức cao nhất trong 10 năm qua. Giá thép cuộn loại phi 6 hiện lên đến 9.300 đồng/kg, phi 8 9.300 đồng/kg; thép cây loại phi 10 giá 69.000 đồng/cây, phi 12 98.000 đồng/cây. Giới kinh doanh dự kiến cuối tháng 4 giá thép sẽ không dưới 10 triệu đồng/tấn. Nhiều người tiêu dùng lo ngại, cho phép áp dụng các biện pháp tự vệ như trên, các doanh nghiệp trong nước không có đối trọng cạnh tranh sẽ liên kết tăng giá thép. Anh Tuấn, chủ một cửa hàng thép trên phố Đê La Thành cho hay: "Không chỉ tăng giá, nguồn cung hàng sẽ khan hiếm. Các đại lý lớn đua nhau đầu cơ, Nhà nước cũng khó kiểm soát".

Tranh cãi thép Việt Ý

Trong khi đó vụ việc thép Việt - Ý thuê gia công sản phẩm tại Trung Quốc rồi nhập về tiêu thụ tại VN vẫn chưa có kết luận. Hiệp hội Thép VN (VSA) liên tiếp gửi hai công văn đề nghị Thủ tướng có ý kiến về vấn đề này nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. 

Bộ Thương mại mới đây có công văn gửi Thủ tướng với ý kiến cho rằng hợp đồng giữa Công ty thép Việt Ý với đối tác Trung Quốc là hợp đồng mua bán hàng hoá. Hợp đồng mua bán giữa 2 công ty có ghi rõ tiêu chuẩn kỹ thuật do Công ty cổ phần thép Việt Ý đặt công ty Trung Quốc sản xuất thép cây như chiều dài, kích cỡ, giới hạn độ chảy, độ bền... Chất lượng thép nhập khẩu được kiểm tra tại Trung tâm Kỹ thuật 1 (Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng) khẳng định đạt yêu cầu. Theo Bộ Thương mại, sản phẩm thép Việt Ý đặt sản xuất tại Trung Quốc không vi phạm về quy định quản lý chất lượng hàng nhập khẩu Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh - Bộ Thương mại cũng cho rằng nếu không làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn về xuất xứ thì việc đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc của VIS hợp lệ.

Tuy nhiên, Hiệp hội Thép VN vẫn bảo vệ quan điểm của mình. Theo VSA, ngày 30/3, lô hàng thép cây đặt hàng từ Trung Quốc của VIS đã được nhập về cảng Hải Phòng. Những cây thép được in chữ nổi VIS này không khác gì thép cây VIS của Công ty Cổ phần Thép Việt - Ý sản xuất và bán trong nước. Trên mỗi bó thép khoảng 70 cây mới có một chiếc eteket (mác nổi) nhỏ in chữ Trung Quốc được gắn sơ sài, có thể tháo bỏ dễ dàng và không ghi rõ xuất xứ hàng hóa. "VIS nói sẽ gắn mác phụ vào bó nhỏ, nhưng mác phụ cũng có thể bị người bán lẻ tháo bỏ dễ dàng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng giữa thép Việt - Ý sản xuất tại VN và thép Việt - Ý sản xuất tại Trung Quốc. Tôi xây nhà không thể mua cả bó to như vậy, nếu không được người bán hàng giải thích thì không thể phân biệt được", ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA nói.

Ông Cường cho biết VSA sẽ tiếp tục có ý kiến với Bộ Thương mại và các cơ quan liên quan về vụ việc này.

(Theo VnExpress)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu