SearchNews

Thị trường bất động sản chưa tìm được lối ra

09/08/2013 09:57

Lâu nay, hàng tồn kho bất động sản (BĐS) luôn là chủ đề tranh cãi giữa các chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước

Lâu nay, hàng tồn kho bất động sản (BĐS) luôn là chủ đề tranh cãi giữa các chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước. Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về hàng tồn kho BĐS là các sản phẩm nhà ở thương mại đã hoàn thành hoặc đang xây dựng dở dang, các dự án đã triển khai việc giải phóng mặt bằng, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoặc đã đầu tư xây dựng một phần công trình... Với nhìn nhận như trên, tồn kho BĐS hiện nay rất lớn.

Tồn kho 12.600 căn hộ và 9.000ha đất

 

Lượng hàng tồn kho BĐS của TPHCM báo cáo với Chính phủ vào cuối năm 2012 chỉ dừng lại ở con số 14.490 căn hộ chung cư. Con số này có thay đổi chút ít, báo cáo 6 tháng đầu năm của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy: đã tiêu thụ được 1.877 căn hộ, giá trị hàng tồn kho BĐS xuống còn khoảng 22 ngàn tỷ đồng.

Tất nhiên, cách tính trên đã vấp phải không ít sự phản đối của dư luận, nếu nói hàng tồn kho chỉ ngần ấy thì tại sao BĐS đóng băng nền kinh tế lại “tê liệt”, vốn liếng cho hoạt động sản xuất kinh doanh bị tắc nghẽn? Nay với cách tính mới của Bộ Xây dựng, chỉ riêng tại TPHCM, tồn kho BĐS sẽ bổ sung như sau: Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tổng số dự án phát triển nhà ở đến tháng 6-2013 là 1.318 dự án với tổng diện tích sử dụng đất 12.304ha, theo quy hoạch gồm 426.290 căn hộ chung cư và 146.130 nhà ở thấp tầng. Tính đến nay đã có 232 dự án hoàn thành, cung cấp 70.510 căn hộ, chiếm tổng diện tích đất theo quy hoạch là 768,9ha. Trừ đi diện tích đất của số dự án đã hoàn thành và diện tích “đã giao đất chủ đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc đang tạm dừng” sẽ còn 9.053,7ha. Như vậy, dựa trên tính toán cụ thể của các cơ quan chức năng có thể khẳng định, tồn kho BĐS của TPHCM là 12.613 căn hộ và hơn 9.000 ha đất. Để có ngần ấy diện tích đất, cho dù chưa xây dựng nhưng chủ đầu tư đổ tiền ra cũng không phải ít, bởi muốn có quyết định giao đất dự án phải bồi thường xong giải phóng mặt bằng, nghĩa vụ tiền đất (cho ghi nợ), hoàn tất quy hoạch 1/500…

Cách tính này minh chứng rõ nét hơn khi nhìn qua sàn chứng khoán. Thống kê của 33 công ty niêm yết từ báo cáo tài chính quý 1 và quý 2 (một số công ty chưa báo cáo quý 2) cho thấy, hàng tồn kho lên tới trên 77 ngàn tỷ đồng. Hàng tồn kho theo quy định này gồm sản phẩm xây xong chưa bán được, kể cả nằm ở dạng dở dang, hầu hết chỉ số hàng tồn kho đều tăng so với cùng kỳ! Đặc biệt, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng 584 đã bị hủy niêm yết vì thua lỗ 2 năm liên tiếp trong khi chỉ số hàng tồn kho hơn 1.100 tỷ đồng.

Phát sinh kiện tụng

Hàng tồn kho thành căn hộ không bán được chủ yếu là chung cư cao cấp, trên 10 ngàn căn có diện tích trên 70m²/căn. Thời gian qua giao dịch chủ yếu trên thị trường là căn hộ loại C trong khoảng từ 10 triệu đồng/m² đến 15 triệu đồng/m².

Thị trường BĐS khó khăn “kéo” người mua nhà phập phồng lo âu. Cách nay chưa lâu, nổi lên kiện tụng về dự án chung cư Petrolandmark quận 2 chậm giao nhà. Cuối tuần trước một dự án họ dầu khí khác - chung cư Mỹ Phú, quận 7, TPHCM do Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí PVC - Petroland - làm chủ đầu tư cũng rơi vào trường hợp tương tự. Cuối năm 2010 khách hàng ký hợp đồng với chủ đầu tư mua căn hộ của dự án chung cư Mỹ Phú, đã đóng đầy đủ tiền theo đúng tiến độ, tương đương 70% giá trị căn hộ cho Petroland, phần còn lại sẽ đóng khi bàn giao căn hộ. Chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao căn hộ muộn nhất vào ngày 30-9-2012, thực tế công trình… chưa xong phần thô và ngừng thi công từ tháng 4-2012.

Tại dự án Quốc Cường Gia Lai 2, huyện Bình Chánh, “bi kịch” cũng không kém. Dự án đã hoàn thành phần thô, mặc dù ký kết được 283 hợp đồng nhưng chỉ có 11 khách hàng góp đúng theo tiến độ, tức là 95%, còn lại chỉ góp vốn khoảng 25% và ngưng không đóng tiền tiếp theo đã 2 năm qua. Chủ đầu tư dở khóc dở cười, vay tiền để xây nhà, chờ khách hàng nộp tiền để trả lại ngân hàng, nhưng nay tiền thu không có mà hàng ngày phải trả lãi vay!

Một lối thoát khác nhằm giải quyết hàng tồn kho, đang được nhiều chủ đầu tư kỳ vọng đó là chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi công năng nhưng cũng hết sức chậm chạp. Theo công bố của Sở Xây dựng, sở đã tiếp nhận 10 hồ sơ xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhưng mới có hai dự án được duyệt, một dự án được chuyển từ chung cư sang bệnh viện, một dự án chuyển từ tái định cư sang nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng vừa báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình triển khai Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ về gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở. Về việc giải ngân, tính đến trung tuần tháng 7-2013, đối với tổ chức, Ngân hàng nhà nước đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay đối với 2 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Vicoland - chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế với số tiền 117 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tư vấn - thương mại- dịch vụ địa ốc Hoàng Quân - chủ đầu tư dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TPHCM với số tiền 540 tỷ đồng; riêng Công ty cổ phần Vicoland đã được giải ngân 34 tỷ đồng. Đối với hộ gia đình, cá nhân: cùng thời gian các ngân hàng thương mại giải ngân được khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng. Hiện nay các ngân hàng được giao thực hiện Nghị quyết 02 đã nhận được nhiều hồ sơ xin vay, như VietinBank nhận 160 hồ sơ, BIDV nhận khoảng 100 hồ sơ…

Theo sggp.org.vn

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu