Thị trường BĐS cần nguồn thông tin ổn định, minh bạch.
Đầu năm 2014, một trong những giải pháp quan trọng được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đưa ra để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững chính là sự công khai và minh bạch.
Tuy nhiên, năm 2014, thị trường BĐS liên tiếp xảy ra những đợt “nóng”, “lạnh” thất thường do thiếu thông tin. Trước thực tế này, nhiều chuyên gia BĐS đưa ra lời khuyên cần phải “gom” càng nhiều thông tin càng tốt để tránh những rủi ro thua thiệt cho người dân.
Trên thực tế, chưa nói đến những người dân có tiền muốn đầu tư vào BĐS, ngay đến nhiều người dân có nhu cầu mua thực, ở thực cũng chưa biết nên mua nhà ở đâu, thuộc dự án nào. Sở dĩ, chỉ với một số dự án cụ thể do các sàn niêm yết chào bán thì người dân mới có được "chút" thông tin. Bởi vậy, đa phần người dân không nắm được diễn biến chính xác của giá cả để xác định được hướng đầu tư.
Có một nghịch lý xảy ra đó là, trong khi công khai, minh bạch được xác định là một trong những giải pháp chính để thị trường BĐS phát triển bền vững thì cho đến nay vẫn chưa có một báo cáo chính thống hàng tháng hoặc hàng quý nào của cơ quan quản lý.
Nói một cách khách quan, thực tế hiện vẫn có những báo cáo đều đặn thoe quý, năm được công bố của các Công ty kinh doanh BĐS nước ngoài ở Việt Nam. Thế nhưng, độ chính xác của những báo cáo này vẫn chưa có cơ quan nào kiểm chứng, thậm chí số liệu giữa các công ty vẫn có độ vênh bởi không có số liệu chuẩn để đối chiếu.
Đứng trên phương diện kinh doanh, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty BĐS Thế Kỷ cho rằng, thực chất không hề khó trong việc tiếp cận thông tin, tuy nhiên chất lượng và mức độ cập nhật thông tin đến đâu mới là vấn đề. Doanh nghiệp sẽ rất khó để lập dự án chi tiết nếu những thông tin quy hoạch hoặc về BĐS sơ cấp, nguồn quỹ đất không có độ chính xác cao và mang tính thực tiễn.
Theo Tạp chí tài chính Online