Theo dự báo của các nhà chuyên môn, trong những năm tới, thị trường bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Quảng Ninh với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và địa điểm du lịch lý tưởng với đủ các loại hình du lịch lớn sẽ là địa bàn vàng hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy để thích ứng, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ phải tập trung nguồn lực hoàn thành và nâng cấp tính cạnh tranh của những dự án đã hoạt động. Những dự án sắp triển khai cần phải liên kết với nhau mới có thể tạo ra những bước đột phá để các dự án đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng đạt hiệu quả.
Cùng với việc tìm kiếm, thu hút các dự án đầu tư, Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng liên quan đến phát triển lĩnh vực bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng như QL18, tỉnh lộ 334 (Vân Đồn), cảng tàu khách du lịch Bãi Cháy và các tuyến đường vào các khu du lịch sinh thái, khu du lịch tâm linh (Yên Tử, Lựng Xanh - TP Uông Bí; Khu di tích lịch sử Nhà Trần tại Đông Triều, Khu di tích lịch sử Bãi cọc Bạch Đằng huyện Yên Hưng…).
Ngoài ra, ngân sách tỉnh, Trung ương còn đầu tư nâng cấp, trùng tu một số di tích lịch sử như các chùa trong quần thể di tích Yên Tử, đền thờ các danh nhân tạo điểm đến cho khách du lịch, đầu tư hạ tầng trong các khu danh lam thắng cảnh trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Một số dự án đã hoàn thành tạo nhân tố tích cực kích thích thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực này như: Đường Móng Cái đi khu du lịch biển và sân golf Trà Cổ, đường vào khu di tích Yên Tử, vào khu du lịch sinh thái Hồ Yên Trung, Lựng Xanh (Uông Bí), đường vào khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều…
Một số dự án khu dân cư, khu đô thị mới trong đó có công trình phục vụ du lịch nghỉ dưỡng như: Khu dân cư đô thị du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu, khu dân cư đô thị và du lịch Đông, Nam Hùng Thắng (Hạ Long), khu dân cư và du lịch sinh thái Ao Tiên, Bãi Dài (Vân Đồn)… cơ bản được hoàn thành đưa vào hoạt động đang phát huy hiệu quả. Ngoài nguồn lực của địa phương và Trung ương, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng phục vụ ngành Du lịch như hệ thống giao thông, đường bộ và đường biển và trong thời gian tới tiếp tục đầu tư một số dự án lớn như đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, xây dựng cảng biển, sân bay… nhằm tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó có ngành dịch vụ, du lịch.
Mặc dù Quảng Ninh đã rất quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ từ cơ chế chính sách, đến đầu tư hạ tầng, nhưng nhìn chung các dự án đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua chưa thực sự hiệu quả, chưa có sự đóng góp tương xứng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn (đến nay trên địa bàn Quảng Ninh có 129 dự án đầu tư bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng ở các trung tâm du lịch từ Đông Triều đến Móng Cái).
Qua kiểm tra của cơ quan chức năng hầu hết các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này không báo cáo hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư định kỳ, chưa thực hiện đăng ký đầu tư theo quy định, không đăng ký điều chỉnh khi thay đổi... Một số dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhưng vẫn không triển khai hoặc triển khai chậm.
Các dự án đầu tư vào lĩnh vực này thường có nhu cầu sử dụng đất rất lớn, có dự án sử dụng tới trên 200ha đất nhưng vì năng lực tài chính, khả năng quản lý còn hạn chế, những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, hạ tầng chưa đồng bộ, nên tình trạng dự án “giữ đất” chờ cơ hội đầu tư diễn ra ở hầu hết các dự án đầu tư lớn, các dự án được cấp đầu tư ở các địa bàn chưa phát triển.
Thậm chí để tránh dư luận nhiều dự án sau khi được cấp đầu tư, được giao đất, cho thuê đất cũng đã tổ chức khởi công, nhưng chỉ thực hiện trên một phần rất nhỏ của dự án coi như có khởi động.
Do đặc thù kinh doanh vào lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn và dài hạn, nhưng hiện nay các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nói chung, bất động sản du lịch nói riêng đều đang rất yếu về năng lực tài chính, trong khi đó các quy định của pháp luật về chuyển nhượng, huy động vốn của các dự án thuộc lĩnh vực này ngày càng chặt chẽ đã khiến cho nhiều dự án được cấp phép đầu tư thời gian qua chậm triển khai, một số dự án đứng trước nguy cơ phá sản phải thu hồi giấy phép đầu tư.
Hiện nay, ngoài việc đầu tư các khách sạn, khuynh hướng nghỉ dưỡng và du lịch là chuỗi các biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp, biệt thự gắn liền với sân golf, vui chơi giải trí... là mô hình đang được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm. Việc sử dụng những triền đồi, khu vực rừng núi, sông hồ hay những khu vực ven biển là lựa chọn quan trọng cho các khu nghỉ dưỡng.
Mô hình kinh doanh này không chỉ đơn thuần nhắm đến đối tượng du khách mà còn là những người có nhu cầu sở hữu và muốn đầu tư sinh lời từ những căn biệt thự nghỉ dưỡng trên. Trên thực tế những khu vực đắc địa có thể khai thác bất động sản du lịch dọc bờ biển Quảng Ninh đều nằm trong tay các doanh nghiệp trong nước, nhưng năng lực tài chính cũng như năng lực quản lý còn yếu.
Doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào lĩnh vực này lại không có đất triển khai và gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Vì vậy cần tạo điều kiện để nhà đầu tư trong nước góp vốn bằng dự án hoặc chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng thực hiện dự án. Nếu như các giải pháp này được thực hiện một cách khoa học và đồng bộ sẽ là động lực thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
(Theo báo Quảng Ninh)