Dù hiện nay thị trường bất động sản (BĐS) đang rất ảm đạm, giao dịch mua bán ít, lượng tồn kho BĐS nhiều, song không ít dự án vẫn rầm rập khởi công. Liệu điều này cho thấy thị trường BĐS đã qua giai đoạn khó khăn nhất và kỳ vọng về sự ấm lại của thị trường.
Bất chấp những dự báo về tình trạng ảm đạm của thị trường BĐS, vẫn có khá nhiều dự án tiếp tục được khởi công rầm rộ. Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều dự án đang hoặc dự kiến khởi công trong thời gian tới.
Ngày 19/3, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã gây sự chú ý trên thị trường BĐS với việc động thổ dự án D’.Le Pont D’or bởi trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phân cấp nhà cao cấp được coi là “ế” nhiều nhất. Với thiết kế tòa tháp đôi 23 tầng, chiều cao 80m theo phong cách thiết kế hiện đại, sang trọng, nằm giữa công viên với hồ Hoàng Cầu (rộng hơn 10ha), có tổng diện tích dự án hơn 2.244 m2, dự án D’.Le Pont D’or bao gồm các khu dịch vụ thương mại, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng… cùng 308 căn hộ chia làm 10 loại. Hiện Tập đoàn này cũng đang triển khai các dự án cao cấp khác ở Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tìm được khách hàng bỏ ra cả chục tỷ đồng mua căn hộ trong thời điểm này không hề dễ dàng.
Cũng trong ngày 19/3, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã công bố Quy hoạch và bàn giao hồ sơ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết xây dựng khu chức năng đô thị The Manor Park City. Dự án này nằm ở phía Nam đường vành đai 3 gồm nhà ở, trường học, bệnh viện, trung tâm thể thao, nhà hàng, khu xây xanh với diện tích khoảng gần 90 ha do Công ty cổ phần (CTCP) Bitexco làm chủ đầu tư. Được biết, dự kiến The Manor Park City sẽ được khởi công ngay trong quý II/2013 với tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD…
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, từ đầu năm đến nay thị trường BĐS tiếp tục gặp khó khăn, giá cả sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch không nhiều, một số dự án không có giao dịch. Nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS, kinh doanh dịch vụ BĐS thực sự gặp khó khăn, nhất là các DN nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính hạn chế, phải vay vốn từ ngân hàng hoặc dựa vào nguồn vốn huy động từ khách hàng để triển khai dự án... Trong bối cảnh như vậy, không ít dự án đang rầm rộ khởi công khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Bởi hiện nay có hàng loạt dự án xây xong nhưng vẫn “tiêu điều” do người dân không mua hoặc chỉ lác đác vài hộ đến ở. Các khu đô thị mới như: Văn Phú, An Hưng, Dương Nội, Văn Khê… từng là tâm điểm của cơn sốt BĐS cách đây vài năm giờ cũng vắng bóng người.
Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy, đến nay tại các địa phương cả nước có trên 42.000 căn nhà còn đang tồn kho, trong đó có 26.444 căn hộ và 15.788 căn nhà thấp tầng. Riêng ở TP.Hà Nội, theo thống kê chưa đầy đủ tính đến nay, có tổng số căn hộ chung cư tồn kho (chưa bán hoặc chưa huy động vốn) là 5.789 căn, tương ứng 566.610 m2 sàn. Nhà thấp tầng (biệt thự, liền kề) tồn kho 3.483 căn, tương ứng 874.825 m2 sàn. Nhà thu nhập thấp còn tồn khoảng 330 căn hộ. Diện tích sàn văn phòng đủ điều kiện cho thuê tồn kho khoảng 175.000 m2. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng số liệu trên chưa phản ánh thực tế tình hình tồn đọng BĐS hiện nay, còn nhiều dự án tồn kho nhưng chưa báo cáo, bên cạnh đó đặc điểm tồn kho BĐS cũng khác, nhiều dự án đã huy động vốn một phần, đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng chưa bán được. Vì vậy, con số thực tế tồn kho BĐS sẽ lớn hơn rất nhiều so với số liệu báo cáo.
Bên cạnh câu chuyện tồn kho mà hiện nay vẫn chưa có hướng giải quyết hữu hiệu thì một bài học nhãn tiền khác là tình trạng các dự án khởi công rồi đắp chiếu, thể hiện rõ nhất ở hai thị trường BĐS sôi động nhất là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Theo thống kê sơ bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường TP.Hồ Chí Minh, địa phương này hiện có 1.308 dự án chậm tiến độ, trong đó 435 dự án đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng chưa triển khai xây dựng.
Trong khi đó, Hà Nội cũng có đến hàng trăm dự án nhà ở, đô thị không triển khai, triển khai cầm chừng hoặc bỏ hoang tràn lan. Không khó để chỉ ra các dự án “sống dở chết dở” này. Ngày 24/5/2007, dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Tuần Châu Hà Tây (nay là CTCP Tuần Châu Hà Nội) làm chủ đầu tư, với tổng diện tích gần 200 ha. Theo kế hoạch, đại dự án Khu du lịch sinh thái Tuần Châu - Hà Tây sẽ là “tiểu Tuần Châu giữa lòng Thủ đô” với bao gồm: sân golf (93 ha); vui chơi giải trí (22 ha); trung tâm thương mại quốc tế (180 nghìn m2); khu biệt thự (54 ha); còn lại là khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế và chung cư cao cấp. Ngày 25/2/2008, CTCP Tuần Châu Hà Tây đã tiến hành tổ chức lễ khởi công dự án một cách rầm rộ, cờ hoa rợp trời, khách mời đông nghịt, nhưng sau gần 6 năm dự án vẫn dậm chân tại chỗ, đến giờ vẫn chỉ là bãi đất hoang “không hơn không kém”.
Hay như dự án Habico Tower nằm trên đường Phạm Văn Đồng từng gây tiếng vang một thời với giá bán đắt đỏ nhất Thủ đô. Năm 2010, chủ đầu tư dự án này đã gây “sốc” khi công bố giá căn hộ Habico Tower thấp nhất là 21 tỷ đồng/căn và cao nhất là 85 tỷ đồng/căn, tương đương khoảng từ 75 - 100 triệu đồng/m2. Cao 36 tầng với tổng số 136 căn hộ cao cấp, tổng mức đầu tư 220 triệu USD, được khởi công xây dựng từ tháng 3/2008, và dự kiến hoàn thành năm 2011, song sau 4 năm xây dựng tòa nhà hiện vẫn đang dừng lại ở tầng thứ 9. Trong khi đó, công trường hiện nay gần như đã ngừng thi công khi cẩu thang, vận tháp đã không còn trên công trường.
Ngoài ra, cũng phải kể đến dự án Dragon Palace do CTCP Tập đoàn Việt Trung làm chủ đầu tư với quy mô 17 tầng xây trên khu đất 3.691m2 tại khu đô thị Mễ Trì, Mỹ Đình với lời quảng cáo hoành tráng “các căn hộ mang đậm phong cách hoàng gia châu Âu dựa theo ý tưởng của cung điện Versailles, Luis XIV, Pháp”. Tuy nhiên, khởi công xây dựng từ năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2014, song đến nay dự án vẫn là bãi đất trống, cỏ cây mọc ùm tùm, không thấy động thái nào cho thấy chủ đầu tư triển khai dự án…
Trước tình trạng thị trường BĐS ảm đạm trong một thời gian dài, Chính phủ và các cơ quan liên quan đang đưa ra nhiều giải pháp để giúp thị trường BĐS và cộng đồng DN vượt qua giai đoạn khó khăn. Hiện TP.Hà Nội đang có chủ trương khuyến khích các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại chuyển nhà thương mại sang nhà xã hội, tái định cư, nhà công vụ. Ngoài ra, Hà Nội sẽ tạm dừng không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại từ nay đến ngày 31/12/2014. TP.Hồ Chí Minh cũng đồng ý cho phép các DN đủ điều kiện được chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, điều quan trọng hiện nay là Chính phủ cần phải xác định được giá nhà thực tế bao nhiêu là hợp lý và đến thời điểm nào mới có thể kéo được mức giá như hiện nay trở về giá trị thực. Bởi mức giá đất, giá nhà hiện vẫn còn rất cao so với giá trị thực tế và so với thu nhập của người dân.
Báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế Quốc hội trong bản tin kinh tế vĩ mô quý I/2013 cho thấy, giá nhà ở trung bình ở Việt Nam cao hơn 25 lần so với thu nhập bình quân hàng năm của người lao động. Trong khi đó, so với thu nhập, giá BĐS trung bình ở các nước châu Âu chỉ bằng 7 lần, Thái Lan là 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần. Thậm chí ông Sam Cucurullo, chuyên gia Quản lý BĐS khu vực Châu Á Thái Bình Dương mới đây cũng thừa nhận cảm thấy “sững sờ” với giá nhà Việt Nam.
Rõ ràng, muốn giải quyết được những khó khăn hiện thời và những bất cập nội tại lâu nay của thị trường BĐS, một trong những việc cần làm ngay là đưa giá nhà đất trở về giá trị thực, phù hợp hơn với tình hình thực tế và thu nhập của người dân. Một khi giá còn quá cao, thì các giải pháp đưa ra để hỗ trợ thị trường sẽ khó phát huy hiệu quả khi mà lượng cầu hầu không có do người dân dù có nhu cầu nhà ở hoặc đầu tư không có đủ số tiền quá lớn để mua.
Theo Tapchitaichinh