Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, thị trường bất động sản năm 2010 tiếp tục đà hồi phục nhanh, nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững.
Bước vào năm 2010, thị trường bất động sản vẫn giữ được đà phục hồi của năm 2009 cùng với tăng trưởng trở lại của nền kinh tế mặc dù vẫn còn ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu từ giữa năm 2007. Các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã bớt khó khăn so với năm 2008.
Đặc biệt, tại Hà Nội có thời điểm còn xảy ra những “cơn sốt” ngắn, nhất là với phân khúc thị trường nhà ở giá trung bình, diện tích nhỏ và có tính thanh khoản cao. Cơ cấu hàng hoá của thị trường BĐS đã có sự thay đổi, các nhà đầu tư đã chuyển hướng đầu tư vào phân khúc thị trường nhà ở có mức giá trung bình, diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu thật của thị trường, tăng tính thanh khoản của nguồn vốn đầu tư.
Trong bối cảnh thị trường xuống dốc, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp (trong đó không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài) bắt đầu chuyển hướng phát triển nhà giá thấp (mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/1 bất động sản), nhà bình dân để thu hút thêm khách hàng tiềm năng.
Thị trường xây dựng và nhà ở tiếp tục phát triển, xu thế hình thành các khu đô thị mới được khẳng định. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 2500 dự án khu đô thị mới, trong đó chủ yếu là phát triển nhà ở, dự án văn phòng cho thuê và các dự án BĐS khác.
Tăng trưởng tín dụng trong kinh doanh bất động sản ổn định. Tính đến 31/7/2010 tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đạt 210.770 tỷ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm 31/12/2010, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%.
Tuy thị trường bất động sản đã phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Giá cả hàng hóa bất động sản nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp.
Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê. Tiến độ triển khai các dự án bất động sản vẫn chậm mặc dù cơ chế đã được tháo gỡ, làm giảm khả năng cung hàng hóa cho thị trường.
Việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới còn nhiều bất cập tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội. Hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo "tin đồn", "tâm lý đám đông" còn diễn ra phổ biến. Các vi phạm như chủ đầu tư giao nhà chậm so với tiến độ, chất lượng không đảm bảo như thỏa thuận ban đầu, tự ý tăng giá nhà so với giá trong hợp đồng.
Nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư. Thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không khả thi, đã dẫn đến những khiếu kiện, tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư với khách hàng.
Hệ thống quản lý nhà nước về thị trường bất động sản còn nhiều bất cập; hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản thiếu tin cậy và chưa thống nhất.
Hệ thống thông tin trên thị trường bất động sản còn thiếu và yếu. Thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bất động sản phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành để ổn định thị trường. Do đó việc đề xuất các giải pháp trong điều hành thị trường mới dừng lại ở mức xử lý tình huống, chưa phải những giải pháp cơ bản, toàn diện, lâu dài để điều chỉnh thị trường khi có biến động.
Duy Khánh