SearchNews

Thị trường BĐS Việt 2009-2014: Liệu có lặp lại chu kỳ "suy thoái-bùng nổ"

07/01/2014 05:27

Nhiều tín hiệu tích cực từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã khiến không ít người hi vọng về một chu kỳ 5 năm (2009-2014) "suy thóai - bủng nổ" sẽ xảy ra.

Năm 2009 nhiều người vẫn nhớ là một năm kinh tế suy thóai mạnh mẽ. Đến tận năm 2013 thì thị trường BĐS vẫn gặp khá nhiều khó khăn và chưa thể "nổi" được. Tuy nhiên, nhiều tín hiệu tích cực từ cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã khiến không ít người hi vọng về một chu kỳ 5 năm (2009-2014) "suy thóai - bủng nổ" sẽ xảy ra.

2013- Một năm khó khăn của bất động sản Việt

Bộ xây dựng mới đây đã công bố báo cáo về thị trường BĐS năm 2013, theo đó: Các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn nợ đọng, chịu áp lực lớn từ phía các ngân hàng khi mà có tới 23.007 căn hộ và 12 triệu m2 nền đất vẫn chưa thể bán ra ngoài thị trường.

Ước tính có tới 70% doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh doanh thu giảm sút, tỷ lệ thất nghiệp cao…Không chỉ có thế, nhiều chủ đầu tư do khó khăn về nguồn vốn đã phải chấp nhận dừng hoặc sang nhượng lại dự án, rồi sau đó hứng chịu khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng.

Tuy nhiên, bất động sản trong năm qua cũng có điểm sáng, khi mà tính thanh khoản đã được cải thiện rõ rệt. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI, chiếm xấp xỉ 4% tổng nguồn vốn đầu tư.

Tác động của gói QE3 và tính chu kỳ của nền kinh tế

Vào tháng 1/2014, gói cắt giảm QE3 mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra chính thức có hiệu lực. Theo đó, Fed sẽ cắt giảm quy mô của chương trình mua trái phiếu hàng tháng bớt 10 tỷ USD còn 75 tỷ USD. Điều đó đồng nghĩa với việc chính sách thuế khóa giảm, thị trường chứng khoán và bất động sản mở ra nhiều cơ hội đầu tư và hứa hẹn nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục.

Một khi nền kinh tế đứng đầu thế giới-Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại thì sự phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam sẽ là điều tất yếu.Tính chu kỳ của nền kinh tế sẽ tái vận hành trở lại.

Theo ông Trần Viết Được- TGĐ Danaland khẳng định: "Thị trường bất động sản Việt Nam cũng như của thế giới đều có tính chu kỳ là “bùng nổ - suy thoái”. Kinh tế trong nước bắt đầu suy thoái từ năm 2009, thì trong năm 2014 chắc chắn thị trường sẽ từng bước hồi phục và phát triển bởi một chu kỳ của thị trường này thường kéo dài trong vòng 5 năm".

Những tín hiệu khả quan cho thị trường BĐS 2014

Trong năm 2014 này, nhiều chính sách tác động trực tiếp tới đất đai, phát triển nhà ở, cũng như hướng tới lợi ích của khách hàng và các nhà đầu tư sẽ có hiệu lực. Luật Đất đai (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, theo đó sẽ có nhiều điểm mới trong thu hồi đất, định giá đất, quy hoạch sử dụng đất. Bộ Tài chính cũng cho phép người dân tự xác định mức thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản đã góp phần tạo động lực mới cho thị trường này.

Cùng với việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua, thuê nhà, cuối tháng 11/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 188/CP về phát triển nhà ở xã hội với nhiều nội dung đáng chú ý theo hướng có lợi cho người thu nhập thấp đã và đang sở hữu nhà ở xã hội.

Theo đó, thay vì được bán và cho thuê lại sau 10 năm, người mua nhà ở xã hội sẽ được chuyển nhượng sau 5 năm sử dụng, kể từ thời điểm ký hợp đồng với chủ đầu tư. Ngay cả trong thời gian 5 năm, nếu cần chuyển nhượng thì người dân vẫn có thể bán lại cho nhà nước, chủ đầu tư hoặc đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó, hàng loạt các quy định mới áp dụng đối với chủ đầu tư, các dự án nhà ở xã hội như được nhà nước hỗ trợ, ưu đãi, được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, được áp dụng thuế suất ưu đãi, được hỗ trợ ưu đãi từ các nguồn như vay vốn của các tổ chức tín dụng…cũng chính thức có hiệu lực trong năm 2014.

Những chính sách trên được coi là bản lề để các nhà đầu tư cũng như người dân tin tưởng vào một thị trường bất động sản có nhiều bùng nổ trong năm 2014 này.

Theo ĐS&PL

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu