Nhiều thương vụ chuyển nhượng dự án, sáp nhập công ty (M&A) trong lĩnh vực địa ốc đang tăng mạnh trong hai tháng gần đây.
Nhiều dự án đổi chủ
Sau thương vụ Công ty Điện tử Hanel mua lại 70% vốn góp của đối tác Hàn Quốc là Daewoo E&C trong khách sạn Daewoo tại Hà Nội, để nắm giữ 100% tại khách sạn Daewoo vào tháng 5 vừa qua. Từ đó đến nay thị trường M&A bất động sản đã xuất hiện nhiều giao dịch thành công hơn.
Mới đây nhất là thông tin C.T Group đã mua lại Công ty TNHH và Đầu tư Thiên Lộc tại 359 Phạm Văn Chiêu, P.14, Q. Gò Vấp. Với việc sở hữu Thiên Lộc, C.T Group đã chính thức là chủ nhân mới dự án với 3 block cao 18 tầng.
C.T Group sẽ phát triển 2 dự án tại khu đất này là Sun View 3 và BeeHome 2. Bên cạnh đó, Tập đoàn Đất Xanh đã hợp tác cùng với C.T Group để mua lại toàn bộ phần căn hộ dự án Thiên Lộc (gồm 2 block A1 và A2).
Dự án tọa lạc tại trung tâm hành chính quận Gò Vấp, dự án Thiên Lộc có diện tích đất là 6400m2, diện tích sàn xây dựng 43,332 m2, mật độ xây dựng 46,5%. Dự án có 3 block ( A1, A2, B), diện tích căn hộ từ: 45 m2 – 81m2.
Ngoài dự án Thiên Lộc, trong thời gian qua, Tập đoàn Đất Xanh đã đầu tư được thêm 5 dự án mới. Đồng thời, Đất Xanh cũng đang có chủ trương tiếp tục tìm kiếm những dự án và đối tác chiến lược mới.
Hay như một thương vụ khác cũng vừa mới được giao dịch thành công, sau khi nhận bàn giao tòa nhà Vincom B tại 191 Bà Triệu làm hội sở Techcombank tại Miền Bắc. Ngân hàng này đã chuyển nhượng tòa nhà 15 tầng tại số 72 Bà Triệu cho Vietinbank, với diện tích mặt sàn 500m2, 15 tầng cao và 2 tầng hầm.
Theo nguồn tin từ Sohovietnam, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chuyển nhượng, mua bán dự án, vừa qua Công ty này đã giao dịch thành công một thương vụ chuyển nhượng thành công tòa nhà chi nhánh Công ty Gemadept ( HOSE: GMD) miền Bắc trên phố Lò Đúc cho một nhà đầu tư tại HN.
Tòa nhà cao 8 tầng, với diện tích 1.650m2 sàn, diện tích đất khoảng 230m2.
Ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, cho biết thời gian qua giao dịch chuyển nhượng dự án bất động sản diễn ra nhiều hơn. Đã có nhiều giao dịch thành công hơn, chứ không còn động cơ tìm hiểu của người mua nữa.
Tại Hà Nội, vừa qua Vietel cũng đã thực hiện thành công thương vụ mua lại tòa nhà văn phòng tại dự án Crown Plaza của Công ty TNHH Trần Hồng Quân tại số 36 Lê Đức Thọ. Tổ hợp Crown Plaza gồm khu khách sạn 5 sao cao 25 tầng hơn 390 phòng, khu căn hộ 14 tầng với 120 căn và khu văn phòng với 25 tầng và tổng diện tích sàn 15.880m2.
Dự án “hoa hậu” mới bán được
Mặc dù M&A bất động sản đang tăng nhiệt, tuy nhiên, không phải chủ dự án cứ muốn bán dự án là có thể bán được. Mà theo nhiều quan điểm của giới đầu tư bất động sản, thì hiện nay người mua vẫn còn “khắt khe” chọn lựa, chỉ những dự án vị trí đẹp, giá rẻ, pháp lý sạch,…với thuật ngữ mà giới đầu tư hay dùng là dự án “hoa hậu” mới có cơ hội bán được.
Ông Phan Xuân Cần nhận xét, đúng là trong giai đoạn vừa rồi kinh tế quá khó khăn, chi phí lãi vay rất cao, cộng với việc là hàng tồn kho lớn, thị trường đầu ra là rất khó khăn.
Dòng tiền mặt cạn kiệt đang là thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Đó là lý do khiến nhiều DN phải tính đến việc cơ cấu lại danh mục đầu tư, bán lại các dự án cho đối tác khác để thu hồi vốn.
Ngay cả những đơn vị “tầm cỡ”, có thâm niên trong kinh doanh bất động sản và đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Vinaconex (VCG) cũng đang phải tính đến phương án thoái vốn tại các dự án.
Hiện HĐQT của VCG đang có chủ trương thoái vốn tại Công ty liên doanh TNHH phát triển đô thị mới An Khánh (An Khanh JSC). An Khánh JSC là liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C Hàn Quốc từ năm 2006 để thực hiện dự án Splendora có quy mô 264ha với tổng vốn đầu tư 2,57 tỷ USD nằm tại Bắc An Khánh, Hoài Đức, HN.
Ngoài ra, VCG cũng đang lên phương án thoái vốn tại VC6 và VC3. Trong đó đáng chú ý thoái toàn bộ 4,08 triệu cổ phiếu tại VC3. VC3 hiện cũng đang là đơn vị đầu tư nhiều dự án như khu đô thi Trung Văn, dự án khu nhà ở phường Dịch Vọng,...
Hay cũng một đơn vị khác đang niêm yết trên sàn HOSE là CTCP Coma18 (CIG), HĐQT của CIG cũng vừa thông qua Nghị quyết chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm với giá chuyển nhượng không thấp hơn 18,2 tỷ đồng trước thuế. Mục đích chuyển nhượng là hiện thực hóa lợi ích kinh tế của dự án và tạo nguồn lực tài chính để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có thể thấy, chưa bao giờ hoạt động M&A bất động sản lại diễn ra sôi động như hiện nay. Có nhiều thương vụ được công bố nhưng cũng có nhiều thương vụ vì lý do nào đó ít được biết đến. Tuy nhiên, một thực tế chung đó là nhiều tổ chức, cá nhân kể cả nhà đầu tư nước ngoài đang âm thầm thâu tóm dần các dự án bất động sản “đẹp”.
Theo quan điểm của ông Cần, tâm lý của người bán dự án lúc này là tâm lý phải hạ giá để bán. Với người mua, sau một thời gian tìm hiểu thì họ cũng chỉ mua những dự án nào thực sự “ngon”.
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp (người mua) đang thâu tóm dần các dự án cũng giống như đang “nhắm rượu”, những “cái ngon” bao giờ cũng được gắp trước. Họ nhận thấy, lúc này là cơ hội tốt để mua lại dự án trong suốt thời gian 6-7 năm qua.
(Theo TTVN)