Sau một thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của thị trường bất động sản đóng băng, hơn 1 năm trở lại đây, thị trường vật liệu xây dựng lại sôi động. Trong đó, ngành sản xuất gốm sứ xây dựng đã dần hồi phục và phát triển sôi động.
Tình hình sản xuất của ngành gốm sứ xây dựng của Việt Nam khoảng 7 năm nay trở lại đây phát triển mạnh. Theo nghiên cứu của Hiệp hội gốm sứ Việt Nam, trong giai đoạn từ năm 2000-2005, sự tăng trưởng của thị trường vật liệu xây dựng trong nước ở mức đạt khoảng 10%/năm; đặc biệt 2 năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ của thị trường đã tăng lên mức 20%/năm. Trong năm 2007, gốm sứ xây dựng đã có những bước phát triển vượt bậc cả về mặt sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ. Mức tiêu thụ sản phẩm trong năm nay của thị trường nội địa sẽ khoảng 180 triệu m2 gạch ốp lát ceramic và gạch granite (tăng 35 triệu m2 so với năm 2006), hơn 9 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tăng hơn 500 sản phẩm.
Sản phẩm gạch ốp lát tráng men năm 2000 sản xuất là 60 triệu m2 sản phẩm/năm thì đến năm 2006 là 170 triệu m2/năm và trong năm 2007 này dự kiến sẽ đạt khoảng 200 triệu m2/năm. Tương tự, sản phẩm gạch granite cũng có mức tăng trưởng mạnh từ sản lượng sản xuất đạt hơn 28 triệu m2/năm tăng lên hơn 30 triệu m2/năm ở năm 2007.
Với sự phát triển của nền kinh tế và sự kiện Việt Nam đã là thành viên của WTO, thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ dừng lại ở nội địa mà được mở rộng tiêu thụ sang các thị trường thế giới. Sau thời gian sản xuất cầm chừng, ngành gốm sứ xây dựng đã chuẩn bị về lực và sức để đưa ngành hội nhập.
Theo dự báo của Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng, trong năm 2008 tới đây, thị trường vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục sôi động do nhu cầu trong nước tăng cao và hoạt động xúc tiến thương mại xuất khẩu sản phẩm đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh. Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng, ông Đinh Quang Huy nhận xét, hiện nay, các đơn vị trong ngành đang chủ động mở rộng mối quan hệ liên kết với các công ty nước ngoài, đầu tư và áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến của các nước để cải thiện sản xuất nâng cao chất lượng và giảm chi phí.
Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xuất khẩu
Hiện cả nước có khoảng 500 dây chuyền sản xuất gạch, ngói bằng công nghệ tuynel. Đây là công nghệ được xem là tiên tiến nhất trong ngành sản xuất gốm sứ hiện nay của Việt Nam, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguyên liệu sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hơn một nửa sản phẩm gạch, ngói tiêu thụ trên thị trường cả nước đã được sản xuất từ dây chuyền lò nung tuynel.
Qua khảo sát của Hiệp hội, hiện các doanh nghiệp trong ngành đang chuẩn bị mở rộng quy mô sản xuất. Mục tiêu sản lượng tối thiểu mà các danh nghiệp đề ra là thấp nhất là 10 triệu m2/năm. Ngoài thị trường trong nước, các sản phẩm ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam đã xuất vào một số thị trường trên thế giới. Hiện sản phẩm gạch ốp lát và sứ vệ sinh Việt Nam đang được xuất vào thị trường của 42 quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan, Australia, Nga, Mỹ...
Theo dự báo, năm 2007, kim ngạch xuất khẩu của ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam sẽ đạt trên 100 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu của sản phẩm gạch ốp lát ceramic chiếm hơn 70 triệu USD, sứ vệ sinh là 30 triệu USD. Từ năm 2005 đến nay, mức tăng trưởng trung bình của kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gốm sứ xây dựng đã tăng chừng 30%/năm.
Năm 2006, sản lượng gạch ốp lát xuất khẩu đạt hơn 59.600 triệu m2, tăng gần 12.000 m2 so với sản lượng xuất khẩu của năm 2005. Sản phẩm sứ vệ sinh cũng đạt trên 28 triệu sản phẩm, tăng thêm 11 triệu sản phẩm so với năm trước đó.
Lợi thế lớn nhất của các ngành sản xuất gốm sứ Việt Nam là chủ động được nguồn nguyên liệu, nguồn nhân lực dồi dào và Việt Nam nay đã là thành viên của WTO nên thị trường giao thương đã được mở rộng. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ xây dựng cho rằng các doanh nghiệp cần đẩy mạnh song song với việc tận dụng những lợi thế và kết hợp với việc cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.
Chủ động được nguồn nguyên liệu là điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Với đặc điểm ấy, hiện nay, các cơ sở sản xuất gốm, sứ xây dựng đang tập trung tại các địa phương có điều kiện thuận lợi về nguồn nguyên liệu như tại phía Bắc có Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên; tại phía Nam là tập trung tại Bình Dương, Đồng Nai và trong tương lai chuyển về một khu vực mới là Bà Rịa - Vũng Tàu.
(Theo TBKTVN)