Cuộc khủng hoảng thừa hiện nay phản ánh nhiều vấn đề nhức nhối của ngành thép và đòi hỏi một giải pháp tổng thể, quyết liệt nếu muốn ngăn chặn đà khủng hoảng đang bắt đầu.
Đến thời điểm hiện tại, không còn dừng ở nguy cơ nữa mà cuộc khủng hoảng thừa đang thực sự diễn ra đối với thị trường thép Việt - một thị trường ngành có tầm quan trọng đặc biệt với sự phát triển chung của cả nền kinh tế.
Những con số đáng ngại
Hiện tại sản lượng thép xây dựng trên cả nước đang dư thừa khoảng 2,67 triệu tấn và con số này sẽ không dừng lại mà tiếp tục được gia tăng trong thời gian tới khi một số dự án có công suất từ 250 - 500 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động. Cụ thể sẽ có thêm 9 dự án trong ngành thép đi vào hoạt động trong năm 2011 và 4 dự án khác vào năm 2012, trong đó có không ít dự án sản xuất thép xây dựng, khiến quan hệ cung cầu mặt hàng này càng trở nên mất cân đối. Chẳng hạn như dự án của Công ty cổ phần Thép Việt nâng công suất sản xuất thép thanh, thép cuộn lên 500.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen sản xuất thép cuộn cán nguội (thép tấm, thép lá) công suất 200.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần thép Thái Trung (Thái Nguyên), sản phẩm thép cuộn, thép cây, công suất 500.000 tấn/năm; dự án của Công ty cổ phần Thép miền Trung (Đà Nẵng), công suất 250.000 tấn/năm, chuyên sản xuất thép cuộn, thép cây; dự án của Công ty cổ phần thép Thái Bình Dương (Đà Nẵng), chuyên sản xuất thép cuộn, thép cây có công suất 250.000 tấn/năm...
Cả nước hiện nay đã có 65 dự án sản xuất gang thép công suất trên 100.000 tấn/năm trở lên (chưa kể các dự án do Tổng công ty Thép quản lý).
Theo số liệu tổng kết mới nhất của Hiệp hội thép Việt Nam đối với riêng các thành viên Hiệp hội trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm thì sản xuất thép xây dựng của các công ty thép trong Hiệp Hội tháng 5 đạt 437.689 tấn, so với tháng trước tăng 0,67%, so với cùng kỳ năm 2010 tăng 23,22%. Lượng thép xây dựng bán của các công ty trong Hiệp Hội tháng 5 đạt 389.712 tấn, so với tháng trước giảm 11,37%, so với cùng kỳ 2010 tăng 37,39%. Tính chung 5 tháng 2011 toàn Hiệp Hội sản xuất được 2.209.163 tấn, so với 5 tháng đầu năm 2010 tăng 14,44%. Lượng thép xây dựng tồn ở các công ty tính tới 31/5/2011 là 402.044 tấn, số lượng thép này đủ gối đầu cho thị trường thép trong nước tháng 6/2011. Tổng lượng phôi thép tồn ở các công ty sản xuất thép cùng với lượng phôi sản xuất trong nước và phôi nhập khẩu về trong tháng 6/2011 là ~ 540.000 tấn, hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phôi cho các nhà máy cán trong nước trong tháng 6 và tháng 7/2011.
Như vậy, nguồn cung hiện tại đã vượt xa so với nhu cầu. Trong khi đó các nhà máy thép mới chỉ vận hành với 50 - 60% công suất thiết kế. Lượng thép sản xuất được mỗi lúc một tăng trong khi lượng tiêu thụ đang chững lại khiến lượng thép xây dựng tồn gia tăng cao. Theo đánh giá của bộ Tài chính, hiện tình hình cung vượt cầu xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Cán cân cung cầu của thị trường thép Việt đã ở vào tình trạng mất cân đối khá nghiêm trọng.
Khủng hoảng thừa tạo áp lực lớn về giá?
Sau hai tháng đầu năm lượng tiêu thụ thép tăng đột biến thì bước vào mùa xây dựng lượng tiêu thụ lại giảm sâu tới hơn 30% trong tháng 3. Trong hai tháng 4 và 5, sàn lượng tiêu thụ đã tăng lên tuy nhiên còn chậm và chưa đúng với tính toán ban đầu. Dự đoán giá thép những tháng 6 và tháng 7 tiếp theo cũng chưa có biến động lớn về giá do nhu cầu thị trường chưa tăng mặc dù đang là mùa xây dựng. Sự ì ạch của thị trường tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung mỗi lúc một dư thừa liệu có tạo ra áp lực về giá đối với mặt hàng này?
Hiện nay về giá thép, trên thị trường tồn tại mâu thuẫn lớn. Giá nguyên liệu sản xuất thép cả ở thị trường thế giới và trong nước đều tăng hoặc ổn định ở mức cao như giá quặng sắt, than cốc, phôi, thép phế và xăng dầu. Trong nước, Chính phủ chủ trương từng bước đưa giá nguyên liệu và năng lượng theo giá thị trường, xóa bỏ bù giá như thời gian trước đây vì thế giá xăng dầu, than và điện sẽ từng bước tăng giá. Tỷ giá ngoại tệ điều chỉnh tăng cao so với giá thị trường, lãi suất cho vay ở nhiều ngân hàng thương mại lên trên 20%, làm cho chi phí đầu vào của sản xuất thép tăng, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên và nếu muốn không bị lỗ thì các công ty buộc phải tăng giá. Nhưng những tháng đầu năm 2011, tình hình tiêu thụ thép không thuận lợi, dẫn tới nhu cầu thép sụt giảm, cung vượt cầu quá xa, các doanh nghiệp không thể tăng giá thép được vì càng nâng giá, tiêu thụ thép càng gặp khó khăn. Bên cạnh đó nếu tăng giá sẽ bị thép nhập khẩu từ ASEAN và Trung Quốc tràn vào. Đây là vòng luẩn quẩn, chưa có lối thoát cho ngành thép trong bối cảnh khủng hoảng thừa hiện tại.
Đánh giá về mâu thuẫn về giá trong cuộc khủng hoảng thừa hiện tại ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam cho PV Dothi.net biết thêm: Thực chất tình trạng hiện tại của thị trường thép còn có khả năng tác động sâu sắc hơn, bởi về mặt giá thành, sản phẩm sẽ chỉ giảm giá được đến một mức độ nhất định ngay cả khi thị trường dư thừa sản phẩm bởi giá thép được quyết định phần chính do giá nguyên liệu, giá phôi. Nếu tiếp tục giảm giá để cạnh tranh sẽ khiến doanh nghiệp không chịu nổi lỗ sản xuất, thậm chí phá sản.
Cuộc khủng hoảng hiện này đã thực sự nghiêm trọng?
Đối với một nước đang phát triển như nước ta, diễn biến của thị trường thép chịu ảnh hưởng đồng thời cũng tác động chi phối ngược trở lại nhiều vấn đề của nền kinh tế. Cuộc khủng hoảng thừa hiện nay mới chỉ bắt đầu và chưa có dấu hiệu ngừng lại, vậy nó đã thực sự nghiêm trọng?
Đánh giá về vấn đề này, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch hiệp hội thép Việt Nam phân tích thêm: Nhìn một cách vĩ mô, dài hạn thì cuộc khủng hoảng thừa hiện nay chưa đáng ngại. Tỉ lệ thép trên đầu người ở nước ta còn thấp đối với một nước công nghiệp. Do đó sự dư thừa hiện nay chỉ là cuộc khủng hoảng trước mắt. Tuy vậy, nhìn một cách ngắn hạn, đối với một thị trường nhỏ như ở nước ta thì cuộc khủng hoảng này sẽ có nhiều tác động sâu sắc và tiềm ẩn nhiều tác động khó lường.
Đặt giả thiết cuộc khủng hoảng dư thừa kéo dài giữ nguyên hiện trạng cứ sản xuất ngày càng nhiều, tốc độ tiêu thụ lẫn xuất khẩu gia tăng chậm không tương ứng, hàng tồn ngày càng nhiều như hiện nay liên tục diễn ra trong thời gian dài thì chắc chắn tác động sẽ không ở mức bắt đầu như hiện nay. Như vậy, mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng mới bắt đầu này còn phụ thuộc vào việc nó sẽ kéo dài đến khi nào. Để giải quyết vấn đề này cần truy tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thừa và có giải pháp giải quyết tích cực.
Mạnh Hùng