Thời gian qua, hàng loạt các công trình, dự án lớn đang bị "đóng băng" đã dần khôi phục trở lại nhờ các gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng. Chính điều đó đã góp phần không nhỏ "hâm nóng" thị trường thép hiện nay, đặc biệt là thép xây dựng.
Bộ Công Thương cho biết, trong tháng 5/2009 nhiều nhà máy cán thép đã hoạt động trở lại nên sản lượng sản xuất thép tháng 5 tăng đáng kể, chỉ tính riêng thép tròn ước đạt 451 nghìn tấn, tăng 49,5% so với tháng 5/2008; tính chung 5 tháng ước đạt 1,84 triệu tấn, tăng 13,2% so với cùng kỳ.
Lượng thép tồn kho các loại ước khoảng 180 nghìn tấn. Tiêu thụ thép trong tháng 5 đã giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao.
Giá phôi thép nhập khẩu hiện đang tăng nhẹ (thị trường ASEAN nhích lên 420-430 USD/tấn). Ở trong nước, giá thép tăng chậm hơn mức tăng của tháng 4. Giá thép cuộn giao tại nhà máy giữ mức 10,24 triệu đồng/tấn, thép cây 10,76 triệu đồng/tấn (tăng 150.000 đ/tấn); Giá bán lẻ thép cuộn Ø6-Ø8 trên thị trường phía Nam khoảng 11,8 triệu đồng/tấn, phía Bắc khoảng 10,35 triệu đồng/tấn.
Trước đó, để hỗ trợ sản xuất thép trong nước đồng thời giảm sức ép cạnh tranh với một số chủng loại thép hợp kim nhập khẩu thay thế thép xây dựng, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 93/TT-BCT tăng thuế nhập khẩu sắt và thép từ 0% lên 10%; đồng thời áp dụng biện pháp rào cản kỹ thuật yêu cầu đơn vị nhập khẩu thép phải xuất trình giấy chứng nhận giám định mặt hàng hưởng thuế ưu đãi…
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, do có những chính sách thuế phù hợp nên lượng thép nhập khẩu trong tháng 5 cũng đã giảm đáng kể so với các tháng trước. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước bắt đầu tăng xuất khẩu thép xây dựng sang các nước láng giềng như Campuchia và Lào.
Hiệp hội Thép Việt Nam dự báo, nếu không có biến động lớn về giá từ nay đến cuối năm, sản lượng tiêu thụ thép cả năm 2009 sẽ đạt khoảng 3,8 triệu tấn, tương đương với lượng thép tiêu thụ trong năm 2008.
(Theo Chinhphu.vn)