Nhiều đại gia bất động sản đồng loạt "lên gân" với đơn vị tư vấn, khảo sát thị trường nhà đất vì thông tin không sát thực tế. Hiện CBRE và Vinaland đang phải đính chính vì công bố giá sai lệch.
> BĐS cao cấp vẫn giảm giá
Điều khiến giới kinh doanh bất động sản và nhà đầu tư bất ngờ là thái độ lúng túng của các đơn vị khảo sát khi thông tin bị sai. Cả Vinaland và CBRE đều bối rối, thiếu cơ sở hoặc không đủ bằng chứng để bảo vệ kết quả mình đưa ra. Quan điểm của doanh nghiệp địa ốc, giá cả tăng lên hay giảm xuống không quan trọng bằng tính xác thực. Theo đó, dù bằng bất cứ nghiệp vụ gì, đơn vị khảo sát giá phải có ý thức trách nhiệm với thông tin mình công bố.
Cuối tháng 11, CBRE cho biết giá căn hộ cao cấp đang rớt mạnh trên thị trường tự do lấy mốc từ tháng 11 năm ngoái. Trong đó có hai thông tin bị đại diện Phú Mỹ Hưng và Daewon Hoàn Cầu phản hồi bị sai lệch. Cụ thể, căn hộ Mỹ Phúc tuột giá từ 1.750 USD xuống còn 872 USD mỗi m2, giảm 50%. Còn dự án Cantavil Hoàn Cầu có mốc 3.700 USD đã sụt xuống còn 2.600 USD mỗi m2, giảm 29%. Tuy nhiên, dù kết quả trên được công bố cuối tháng 11 và bị "tẩy chay" nhưng đến thời điểm này CBRE vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng về việc này.
Sự kiện thứ hai cũng gây ồn ào là khảo sát của Vinaland tuần đầu tháng 12, căn hộ penthouse Blooming Park bị giảm 6,1 %, mất giá 2 triệu đồng mỗi m2. Sau đó đại diện Công ty Kiến Á phàn nàn thông tin trên "trật lất" và yêu cầu Vinaland kiểm tra lại. Vụ tranh cãi này kết thúc khi Vinaland thừa nhận sai sót này là lỗi nhập liệu và đồng ý đính chính.
Trong khi sự cố từ khảo sát của Vinaland đã được điều chỉnh thì CBRE tỏ ra đuối lý khi giải thích với các chủ đầu tư dự án. Lấy lý do bảo mật thông tin, CBRE giải thích trường hợp căn hộ Cantavil ở tầng 6 đang sụt giảm từ 3.700 xuống còn 2.600 có diện tích 155 m2. Lần thứ hai đơn vị tư vấn này đính chính lại diện tích 156,3 m2.
Tuy nhiên, bằng chứng do Hoàn Cầu đưa ra đã chống lại CBRE. Theo hồ sơ kinh doanh căn hộ Cantavil, ở tầng 6 chỉ bán được 3 căn, trong đó 2 căn bán nội bộ không sang nhượng bên ngoài. Căn còn lại được khách hàng xác định mua để ở, chưa hề rao bán và có mã số C-611, diện tích chính xác là 120 m2, giá 3.091 USD mỗi m2.
Chuyên viên pháp lý Công ty liên doanh TNHH phát triển nhà Daewon Hoàn Cầu, ông Nguyễn Hữu Nhị bức xúc: "CBRE có quyền công bố thông tin nhưng nếu như kết quả khảo sát không chính xác, phản ánh sai bản chất thị trường thì đơn vị tư vấn này phải có trách nhiệm đính chính và xin lỗi, nếu không Hoàn Cầu sẽ khởi kiện".
Đại diện Công ty Phú Mỹ Hưng thắc mắc cơ sở và phương pháp CBRE sử dụng để khảo sát giá các dự án. Ông khẳng định: "Nếu căn hộ Mỹ Phúc có giá 870 USD mỗi m2 bao nhiêu tôi cũng mua. Rõ ràng đã có sự chênh lệch rất lớn vì giá giao dịch của Mỹ Phúc hiện nay 1.500 USD mỗi m2".
Trưởng phòng kế hoạch Công ty Kiến Á, ông Cao Thanh Hoàng cho rằng sau sự cố Blooming Park bị nhầm lẫn, các đơn vị khảo sát thị trường nhà đất nên có liên hệ với doanh nghiệp để kiểm tra thông tin để tránh những sai lầm đáng tiếc.
Chủ tịch HĐQT Công ty Vinaland Invest Corp, ông Trần Minh Hoàng, trần tình: "Thông tin căn hộ penthouse Blooming Park giảm 6% là do khâu nhập liệu bị nhầm lẫn. Đây chỉ là một trong hàng trăm, thậm chí nghìn dự án Vinaland khảo sát. Chúng tôi làm việc với tinh thần khách quan và không hề có ý trục lợi, gây khó khăn cho doanh nghiệp".
Riêng CBRE vẫn bỏ ngỏ câu trả lời cho Daewon Hoàn Cầu và Phú Mỹ Hưng. Ông Jeremy King, Phó giám đốc bộ phận dịch vụ và tư vấn thẩm định giá của CBRE cho biết: "Chúng tôi sẽ kiểm tra lại toàn bộ thông tin và làm việc với các doanh nghiệp về vấn đề này". Ông hứa hẹn rằng CBRE sẽ trả lời cho báo chí trong thời gian tới.
Thanh Lê