Nhà ở đang là vấn đề cấp thiết đối với nhiều người Việt, đặc biệt tại những thành phố lớn. Việc có được một căn nhà để ở là niềm mơ ước của không ít người. Và một trong những lý do khiến việc này chưa được thực hiện, đó là thiếu tài chính nhà ở.
Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, để thị trường bất động sản có thể phát triển, còn cần một thị trường tiền tệ đi kèm. Đó chính là tài chính nhà ở. Các nhà kinh doanh nhà ở phải đi vay để kinh doanh và người mua cũng phải vay, cho nên thị trường tài chính, tiền tệ là giúp cho cả bên mua lẫn bên bán. Bất kể nước nào trên thế giới, những người ít tiền đều không thể một lúc mua được nhà nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Song sự hỗ trợ này phải khác xa chính sách bao cấp.
"Hiện đã có nhiều doanh nghiệp kinh doanh nhà cho người mua nhà trả góp, một số ngân hàng cho người muốn mua nhà vay tiền dài hạn. Đây là việc rất đúng nhưng chưa ai đề cập vay với lãi suất bao nhiêu. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp kinh doanh, họ phải đảm bảo lợi nhuận, vay dài hạn thì chắc chắn lãi suất phải cao", ông Liêm nói.
Như vậy, cộng với tiền trả lãi ngân hàng, tính ra người mua phải mua nhà với giá cao hơn nhiều so với giá ban đầu. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về tài chính nhà ở thông qua việc hỗ trợ lãi suất ngân hàng để người vay được vay với lãi suất thấp, giúp người có ý định và cần thiết phải có nhà ở mua được nhà.
Những người có nhu cầu thực sự về nhà ở Việt Nam hiện rất lớn nhưng chủ yếu là những người có thu nhập không cao trong khi giá nhà đất lại quá cao. Một bộ phận lớn người dân có thu nhập trung bình và thấp không có cơ hội tiếp cận thị trường bất động sản. Khoảng cách giàu nghèo được phản ánh rõ nét trong lĩnh vực nhà ở. Biện pháp tốt nhất để khắc phục thực trạng này là tổ chức đấu thầu dự án thay vì đấu giá đất. Hơn nữa, cần phải có chính sách đánh thuế kinh doanh bất động sản hợp lý. Ở Trung Quốc, người ta đánh thuế lũy tiến theo lãi suất của doanh nghiệp kinh doanh (trên vốn thực tế của doanh nghiệp không tính vốn vay ngân hàng). Vì thế doanh nghiệp không thể đẩy giá bán nhà lên cao quá. Ngoài ra, cách quản lý giá bất động sản tại Việt Nam còn bị thả lỏng. Việc xác định cơ quan quản lý thị trường bất động sản cũng chưa rõ ràng.
(Theo TBKTVN)