Công trình xây dựng giảm được 7 - 10% chi phí xây thô khi chủ đầu tư thay gạch đất nung bằng gạch bêtông nhẹ. Không chỉ đảm bảo về độ bền, thi công dễ hơn gạch nung, nếu áp dụng rộng khắp cả nước, số tiền tiết kiệm được một năm lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Một trong những vấn đề mấu chốt mà các chủ đầu tư, nhà thầu và thiết kế quan tâm trong việc xây các dự án cao tầng là không ngừng nâng cao chất lượng công trình trong khi vẫn đảm bảo chi phí đầu tư, xây dựng dự án.
Đây là loại gạch mới ở Việt Nam nhưng trên thế giới đã sử dụng hơn 40 năm, chứng tỏ nhiều ưu thế vượt trội về kinh tế và bảo vệ môi trường. Ở Trung Quốc, Malaysia, các nước khối EU..., tỷ lệ gạch bêtông nhẹ đã thay thế trên 50% gạch đất sét nung và tỷ lệ này ngày một cao.
Tại Việt Nam, nhận rõ nhiều tiến bộ của gạch không nung, từ năm 2001, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Vật liệu xây dựng (VLXD) VN đến năm 2010 tỷ lệ vật liệu khung nung (VLKN) phải chiếm 30% trên tổng số vật liệu xây. Tuy nhiên, sau đó không ít DN và chủ đầu tư quan ngại vì nguồn cung lúc đó rất thiếu, đồng thời giá cao hơn so với gạch nung thường và nhà thầu thiếu thông tin hướng dẫn nên chưa mặn mà với loại vật liệu này. Vì vậy đến năm 2008, con số này chỉ đạt 8,5%, chủ yếu là phát triển gạch không nung cốt liệu xi măng, mạt đá, cát.
Gạch bêtông nhẹ E-Block có tỷ trọng khoảng 600 kg/m3, nhẹ bằng nửa gạch nung thông thường. Sử dụng gạch E-Block cho phép giảm tải trọng khoảng 15%. Do đó kết cấu móng sẽ giảm từ 12 - 20%; đối với kết cấu khung chính khối lượng thép giảm từ 15 - 20%. Thời gian thi công nhanh hơn 30% so với gạch thường. Tính chung, sử dụng gạch E-Block sẽ giảm tổng chi phi xây thô từ 7 - 10%. |
Ngay trong năm 2008, trong quyết định 121/2008/QĐ-TTg, Chính phủ tiếp tục khẳng định quyết tâm thay dần gạch nung và điều chỉnh lộ trình và tỷ lệ VLKN sát với thực tế Việt Nam cho các năm 2010, 2015, 2020, tương ứng là 10%, 20 - 25% và 30 - 40%. Mới đây nhất hôm 28/4, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tiếp tục khẳng định quyết tâm của Chính phủ duy trì tỷ lệ trên trong quyết định 567//2010/QĐ-TTg với mục tiêu nhắm tới nâng cao hơn nữa tỷ trọng gạch nhẹ với những biện pháp mạnh hơn.
Theo đó, từ năm 2011, các công trình nhà từ 9 tầng trở lên sẽ sử dụng tối thiểu 30% vật liệu xây dựng không nung loại nhẹ có khối lượng thể tích không lớn hơn 1.000kg/m3 trong tổng số vật liệu xây. Ba chủng loại vật liệu xây dựng không nung được dùng là gạch xi măng-cốt liệu, gạch nhẹ và các loại gạch khác. Bên cạnh đó, nhiều chính sách khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi đầu tư sản xuất vật liệu mới (gạch không nung) như được miễn giảm thuế thu nhập DN, được tranh thủ lãi suất ưu đãi của chương trình kích cầu của Chính phủ. Cụ thể, những DN hoạt động trên địa bàn TP HCM sẽ được vay vốn thời hạn 7 năm, được TP hỗ trợ 50 - 100% lãi vay.
Trước dự báo thuận lợi và chính sách hỗ trợ tích cực của Chính phủ, một số công ty mạnh dạn đầu tư nhập các dây chuyền sản xuất gạch bêtông khí chưng áp (Autoclaved Aerated Concrete - gọi tắt là AAC). Khu vục phía Nam đang nhộn nhịp với nhà máy ở Long An của Cty CP gạch khối Tân Kỷ Nguyên. Ở phía Bắc, hàng loạt dự án đầu tư nhà máy sản xuất bêtông khí chưng áp đã và đang triển khai như: NM SX bêtông khí chưng áp của Cty Sông Đà 12, Viglacera.
TGĐ Viglacera - Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ Viglacera chủ trương đầu tư một nhà máy sản xuất bêtông khí để ứng dụng vào các công trình bất động sản của Tổng công ty cũng như đáp ứng nhu cầu của thị trường phía Bắc. Trước đó, để thăm dò nhu cầu khách hàng tại Tp HCM, Cty Tân Kỷ Nguyên đã nhập khẩu gạch block của Thái Lan với công nghệ tương tự về giới thiệu với khách hàng. Do nắm rõ tính ưu việt của loại gạch này, những dự án có quy mô đầu tư lớn đang chuyển hướng thiết kế sang sử dụng gạch bê tông nhẹ như City Garden ở TP HCM, Indochina Plaza ở Hà Nội. Nhiều dự án quy mô vừa và nhỏ cũng đã hoàn thành xong phần thiết kế và chuẩn bị thi công.
Ông Phan Hoài Thanh - Chủ tịch - TGĐ Cty CP Gạch khối Tân Kỷ Nguyên cho biết công ty vừa lắp đặt xong dây chuyền sản xuất gạch bêtông khí chưng áp và bắt đầu đưa ra thị trường sản phẩm dưới tên gọi E-Block vào cuối tháng 5/2010 này. Dự tính công suất của dây chuyền là 100.000 m3/năm sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu trong thời gian tới nên Cty Tân Kỷ Nguyên đã chuẩn bị kế hoạch lắp đặt tiếp dây chuyền thứ hai với công suất 350.000 m3/năm trong năm 2011, trở thành Cty sản xuất bêtông khí chưng áp có quy mô lớn nhất khu vực phía Nam.
Trong khi vẫn còn một số chủ đầu tư đắn đo khi chọn sử dụng gạch không nung thì đại diện Cty TNHH căn hộ vườn phố VN, chủ đầu tư dự án City Garden lại rất ủng hộ. DN này cho biết, “mặc dù giá thành gạch không nung cao hơn gạch truyền thống nhưng về lâu dài, chính cư dân sống trong chung cư của chúng tôi là người được hưởng lợi nhiều nhất vì họ không phải chịu tiếng ồn từ nhà hàng xóm, lại tiết kiệm được điện năng trong quá trình sử dụng do các bức tường có tác dụng cách nhiệt”.
Ông Hoàng Nam - GĐ Cty Thiết kế xây dựng ở TP HCM cho rằng nhiều người thường nghĩ gạch xây là vật liệu chỉ có tính chất che phủ, dùng gạch gì thì cũng bị lớp vữa che đi và người sử dụng lưu tâm giá thành của gạch không nung có rẻ hơn gạch nung hay không. Nếu không rẻ hơn họ sẽ không dùng. Tuy nhiên khi thiết kế có tính toán, nếu sử dụng gạch nhẹ cho những ngôi nhà cao hơn 9 tầng thì tuy chi phí gạch block có cao hơn nhưng chủ đầu tư sẽ giảm được chi phí kết cấu tổng thể, nên có thể giảm tới 10% trên tổng chi phí so với gạch nung.
(Theo DĐDN)