|
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 33.9% |
Ngày 9-9, Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với đại diện Ngân Hàng thế giới tại Việt Nam đánh giá về tình hình đô thị hóa ở Việt Nam.
Theo đó, tính đến hết quý II-2014, tỷ lệ đô thị hóa của nước ta đạt 33.9%, đa số tập trung trong và xung quanh TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trong vòng 15 năm trở lại đây, số lượng và chất lượng đô thị đã có sự phát triển nhanh chóng. Năm 1999 cả nước chỉ có 629 đô thị đến nay đã là 772 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 14 đô thị loại II. Dân số khu vực thành thị đạt khoảng 30.3 triệu người. Qua khảo sát trên, dễ dàng nhận thấy tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, mỗi năm tăng gần 1% (tăng gần 1 triệu dân đô thị) đang gây nên áp lực lớn đối với nền kinh tế thị trường.
Đi cùng với sự đô thị hóa, đã có nhiều khu đô thị mới hiện đại được hình thành, chất lượng đô thị ngày càng được nâng lên, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng những khu đô thị chất lượng thấp, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Hiện tượng ùn tắc, tai nạn giao thông vẫn là mối lo ngại tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường chậm được khắc phục. Công tác đầu tư xây dựng đô thị còn chưa tuân thủ theo lộ trình, chưa có sự chủ động cần thiết để định hướng các nguồn lực đầu tư của xã hội...
Thực tế tại 2 địa phương có tỉ lệ đô thị hóa cao nhất là Tp.Hồ Chí Minh và Hà Nội cho thấy, tình trạng tắc nghẽn giao thông gia tăng, thị trường đất đai bị bóp méo ... Những tồn đọng đó vô hình chung đang hạn chế lợi thế cạnh tranh của chính các thành phố này.
Vấn đề đặt ra ở đây là tốc độ đô thị hóa tăng nhanh nhưng phải đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng, đảm bảo đời sống kinh tế cho ngườ dân ổn định.