Những ngày qua, người dân Củ Chi (Tp.HCM) và giới đầu tư địa ốc khá hồ hởi trước thông tin về dự án khu đô thị mới quy mô 15.000 ha thuộc các xã phía Đông Bắc huyện Củ Chi và tuyến đường ven sông dài 63km từ đường Hàm Nghi (quận 1) đến cầu Bến Súc (Củ Chi). Giá đất ở khu vực này đã bị đẩy lên dù đây chỉ mới là những thông tin đề xuất từ chủ đầu tư.
Tại buổi làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Tp.HCM vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, đây là đề xuất của Tập đoàn Tuần Châu với lãnh đạo TP và TP ủng hộ đề xuất này. Mặt khác, Văn phòng Thành ủy cũng đã có Văn bản 375 thông báo kết luận của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại buổi làm việc với Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Tập đoàn Tuần Châu) về đề xuất này.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu, đây là ý tưởng về quy hoạch khá đột phá, nổi bật nhất là dự án TP mới New City tại Củ Chi và dự án đại lộ ven sông Sài Gòn từ Củ Chi đến quận 1.
Được biết, tổng diện tích của dự án TP mới New City vào khoảng 15.000 ha (gấp 15 lần diện tích dự án khu đô thị Phú Mỹ Hưng và khu đô thị Thủ Thiêm cộng lại). Theo đó, trung tâm đô thị mới của TP sẽ được hình thành, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong thành phố mới sẽ có các khu nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ, đầy đủ dịch vụ, tiện ích phục vụ cư dân, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Tuyến đại lộ ven sông Sài Gòn sẽ tận dụng quỹ đất bãi bồi ven sông với chiều dài 63km, tốc độ xe dự kiến 100km/giờ để kết nối dự án với khu trung tâm. Nhờ tận dụng đất bãi bỗi ven sông và ít giải phóng mặt bằng nên dự án này sẽ được triển khai nhanh chóng. Sau khi hoàn thành tuyến đường này, người dân sẽ chỉ mất khoảng 20-30 phút để đi từ Củ Chi về quận 1.
Chủ đầu tư dự kiến, dự án thi công xong đưa vào sử dụng trong 18 tháng. Khi hoàn thành, đại lộ này sẽ tạo điều kiện kết nối với Quốc lộ 22 và các tuyến đường của tỉnh Bình Dương. Các doanh nghiệp địa ốc sẽ phối hợp với Tập đoàn Tuần Châu để khai thác quỹ đất nơi đây nhằm vực dậy vùng đất đầy tiềm năng ở khu Tây Bắc Tp.HCM.
Giá đất ở Củ Chi và Hóc Môn có dấu hiệu sốt ảo trong những ngày gần đây.
Lãnh đạo Tp.HCM cho biết, TP ủng hộ chủ trương xây dựng đường ven sông Sài Gòn. Tuy nhiên, việc xây dựng khu đô thị mới 15.000 ha bằng cách giải tỏa trắng xã Trung An thì chính quyền TP không đồng ý. Chủ tịch UBND Tp.HCM nhấn mạnh: “Tại sao không đầu tư vào khu đô thị Tây Bắc, nơi đã có sẵn quỹ đất và quy hoạch. Thành phố sẽ khuyến khích Tuần Châu đầu tư vào đó. Tôi chưa bao giờ có ý tưởng xây dựng một Sài Gòn mới hay Sài Gòn thứ hai”.
Tp.HCM hiện đang triển khai dự án khu đô thị Tây Bắc Củ Chi rộng khoảng 6.000 ha, thế nhưng sau hàng chục năm khu đô thị này vẫn chưa hình thành. Sở dĩ dự án này thất bại là bởi khu Tây Bắc Củ Chi giáp kinh Sáng ô nhiễm nghiêm trọng từ các nhà máy, khu công nghiệp ở Tp.HCM và Long An, nhất là bãi rác Phước Hiệp. Chưa kể, hệ thống hạ tầng không được đầu tư để kết nối khu vực này với trung tâm TP, vì vậy việc di chuyển từ khu đô thị Tây Bắc Củ Chi vào trung tâm TP không thuận tiện, điều này giải thích vì sao các nhà đầu tư lại ngó lơ dự án này.
Bên cạnh dự án khu đô thị Tây Bắc, khu vực này còn có một số siêu dự án khác như Khu đô thị đại học của một tập đoàn đến tư Malaysia với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD nhưng cả chục năm cũng vẫn "dậm chân tại chỗ". Trong khi đó, đối với khu đô thị mới An Phú Hưng của Công ty TNHH MTV An Phú quy mô trên 610 ha tại 2 xã Tân Hiệp và Tân Thới Nhì (Hóc Môn), TP phải ban hành Quyết định 5195 thu hồi, hủy bỏ dự án nói bởi chủ đầu tư chưa bồi thường và việc giải phóng mặt bằng kéo dài quá lâu.
Tuy là thông tin ban đầu từ chủ đầu tư nhưng những ngày gần đây giá đất ở Hóc Môn, Củ Chi đang có dấu hiệu sốt nóng. Vậy nhưng, các nhà đầu tư nên cẩn trọng vì thực tế đã có nhiều người “đau thương” trước những thông tin của những dự án kiểu như “trục đường tâm linh”, “thủ đô Ba Vì” của Hà Nội hay TP mới Nhơn Trạch của Đồng Nai…, giới chuyên gia khuyến cáo.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính Online