SearchNews

TP.HCM: Gỡ “tồn kho” nhà tái định cư

05/11/2013 08:43

Kinh tế suy thoái kéo dài, bỗng dưng nhà tái định cư (TĐC) bị thừa!

Kinh tế suy thoái kéo dài, bỗng dưng nhà tái định cư (TĐC) bị thừa! Câu chuyện chưa ai tưởng tượng ra bởi một thời, nhà TĐC là ưu tiên số một, TP từng đề ra chủ trương xây dựng 30.000 căn nhà TĐC. Hàng loạt dự án trọng điểm hạ tầng đang triển khai, đụng đâu cũng phải giải tỏa, muốn giao mặt bằng sạch phải có quỹ nhà TĐC. Công bằng mà nói, nhờ đó TP đã có quỹ nhà TĐC cực lớn: 15.441 căn hộ, nền đất với giá trị 9.552 tỷ đồng, theo báo cáo của UBND TP vào cuối năm 2012.

Thế nhưng, trong suốt giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua, quỹ nhà TĐC đã trở thành gánh nặng cho chủ đầu tư, doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện chương trình TĐC của TP, Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam đã để lại 32 căn tại chung cư Him Lam Nam Khánh (quận 8), bán cho TP làm quỹ nhà TĐC. Tuy nhiên, hơn 5 năm trôi qua, phần căn hộ bán ra ngoài đã ở kín chật, diện căn hộ TĐC bỏ trống huơ trống hoác, vì TP không mua mà chủ đầu tư cũng không dám bán ra ngoài để thu hồi vốn, bởi hợp đồng còn nguyên giá trị.

Công ty nhà nước càng ngậm ngùi hơn, đơn cử trường hợp của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (RESCO). Giữa tuần rồi, trong buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đại diện chủ đầu tư than thở, dự án chung cư 481 Bến Ba Đình: 3 năm trời bỏ trống, chủ đầu tư phải gánh đủ thứ chi phí vô lý. Dự án khởi công năm 2006, xây dựng hoàn tất tháng 4-2010 với tổng số 350 căn, tổng vốn đầu tư 175 tỷ đồng, bố trí TĐC cho các dự án rạch Ụ Cây và cầu Bình Tiên trên địa bàn quận 8. Tuy nhiên, vì kinh tế khó khăn, 2 dự án trên phải ngừng lại, không biết đến khi nào thực hiện, do đó câu chuyện TĐC cũng tạm gác sang một bên. Nhưng tòa nhà đã hoàn thành, quỹ đất nhà nước không nói gì, còn tiền xây dựng phải đi vay, nếu không giao nhà lấy tiền đâu trả lãi suất, vốn ứ đọng thì sao? Nhắm không kham, chủ đầu tư phải huy động nguồn vốn khác để cắt nguồn vay ngân hàng, nhưng cũng bị mất 13 tỷ đồng trả lãi suất. Chưa hết, tòa nhà xây dựng xong, bỏ trống sẽ xuống cấp nhanh chóng, do đó lại phải trả tiền vận hành bảo quản, mất đứt hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Câu chuyện bất hợp lý nêu trên được giải quyết khi TP thực hiện chương trình nhà ở xã hội (NƠXH). Dự án Chung cư 481 Bến Ba Đình, quận 8 có 112 căn được chuyển sang NƠXH, phần còn lại chủ đầu tư sẽ được kinh doanh; 32 căn của dự án Him Lam, chủ đầu tư sẽ được bán ra ngoài; khu TĐC Vĩnh Lộc B, cũng sẽ chuyển sang NƠXH 1.132 căn… Theo Sở Xây dựng, chủ trương của TP năm nay sẽ chuyển đổi 5 dự án nhà ở TĐC đã hoàn thành nhưng còn trống với quy mô 1.769 căn hộ sang NƠXH. Mặt khác, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng nhận định, việc chuyển một bộ phận nhà ở TĐC sang NƠXH cũng là một lối ra cho việc bố trí TĐC một số đối tượng mà tiền bồi thường giải phóng mặt bằng không đủ để mua nhà ở thương mại, lâu nay bố trí tạm nhưng không có chính sách giải quyết nhà ở.

Như vậy với chính sách này, TP đã có đột phá trong chương trình phát triển nhà ở khi trước mắt sẽ tháo được hàng “tồn kho” TĐC, người dân có nhà để ở, dòng vốn cho doanh nghiệp được lưu thông. Vấn đề đặt ra là phải thực hiện nhanh, với tốc độ chậm chạp như hiện nay, đầu năm đến giờ chỉ mới thực hiện một đợt bốc thăm bàn giao NƠXH 108 căn, trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn, nhà tồn kho lại nhiều mà gói 30.000 tỷ đồng vẫn đợi người vay, là nghịch lý không thể chấp nhận được.

Theo SGGP

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu