Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), phân khúc nhà ở thương mại có quy mô vừa và nhỏ (căn hộ 1 – 2 phòng ngủ) có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn được phát triển trên nhiều quận huyện của thành phố đang là trụ cột của thị trường nhờ “đánh” đúng vào tâm lý của đại đa số người mua nhà.
Tuy vậy phân khúc này hiện vẫn trong tình trạng cung không đủ cầu, các dự án căn hộ thuộc phân khúc đều đạt tỷ lệ tiêu thụ rất tốt. Ông Ngô Quang Phúc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) cho rằng, đây là dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thật với những sản phẩm phù hợp với khả năng thanh toán hiện tại của bộ phận người trẻ tuổi. Thế nhưng đây vẫn chưa là phân khúc được các doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn thành phố chọn làm trọng điểm đầu tư.
Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Tập đoàn Nam Long cũng cho rằng, phân khúc căn hộ vừa túi tiền với diện tích 50-70m2 đang phát triển rất tốt ở Tp.HCM. Các nhà đầu tư nước ngoài như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc khi đến tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam cũng mong muốn đầu tư tài chính ở kênh nhà ở hợp túi tiền vì đây là phân khúc rất tiềm năng, đáp ứng nhu cầu và mức chi trả của phần lớn người dân.
Nhà ở vừa túi tiền vẫn rất khan hiếm trong năm 2016 (ảnh minh họa)
Báo cáo mới nhất của CBRE Việt Nam, thị trường BĐS năm 2015 có thêm 41.787 căn hộ từ 78 dự án, tập trung chủ yếu ở phía Đông (47%), phía Nam (27%) của Tp.HCM, tăng đến 122% so với năm2014.
Phân khúc cao cấp ghi nhận lượng căn hộ chào bán nhiều nhất trong năm 2015. Nhiều dự án đã tái cấu trúc và mở bán trở lại sau nhiều năm trì hoãn để tăng vốn, thay đổi thiết kế và diện tích căn hộ.
Theo dự báo của CBRE Việt Nam, trong năm 2016, thị trường sẽ có thêm 90 dự án, cung cấp thêm 45.000 căn hộ thuộc mọi phân khúc trên khắp Tp.HCM. Trong đó, tỉ trọng nguồn cung các dự án thuộc phân khúc cao cấp và hạng sang sẽ tăng 20% so với năm 2015.
Lý giải về sự khan hiếm nguồn cung nhà giá thấp, tổng giám đốc một công ty chuyên phân phối dự án có giá trên dưới 1 tỉ đồng cho biết lợi nhuận của phân khúc này khá thấp nên không thu hút được nhà đầu tư. Hơn nữa, thủ tục để bắt đầu một dự án sẽ mất đến vài năm, chi phí bỏ ra lại rất lớn.
Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, cho biết thời gian qua, nhà giá trên 1,5 tỉ đồngvẫn được tiêu thụ trên thị trường khá tốt nên các chủ đầu tư “lao theo”. Vì vậy, nhà dưới 1 tỉ đồng vẫn tiếp tục khan hiếm trong năm 2016-2017.
Một vấn đề khác gây khó khăn cho người có nhu cầu mua nhà giá rẻ đó là… trả góp. Việc gói 30.000 tỷ đồng bị đóng băng vì một số lý do như thời gian gần đây đã khiến nhu cầu mua căn hộ để có một chỗ an cư càng xa tầm tay với đối với những gia đình trẻ và người có thu nhập thấp.
Dự kiến thời gian giải ngân gói tín dụng này là vào cuối tháng 6 tới, như vậy người thu nhập thập sẽ không còn điều kiện hỗ trợ về mặt tài chính để tiếp cận nhà ở.
Tại một hội thảo về nhà ở hợp túi tiền diễn ra ở Tp.HCM mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng thành phố cần một chương trình hỗ trợ an cư cho giới trí thức trẻ, những giảng viên, nhà nghiên cứu đã có nhiều đóng góp nhưng chưa có điều kiện mua nhà để an cư.
Đồng thời thành phố nên có những giải pháp thiết thực để giải quyết quỹ nhà tồn kho, theo hướng mang lại lợi ích cho cộng đồng. Có thể xem đây là một trong những ưu đãi có điều kiện để giữ chân cộng đồng trí thức, giữ chân chất xám cho thành phố trong tiến trình hội nhập sắp tới. Đây cũng là điều nên làm ngay để Tp.HCM thực sự là nơi đáng sống.