SearchNews

TPHCM: Thị trường BĐS khó nóng lại vào cuối năm

31/07/2010 14:06

Dù trầm lắng một thời gian dài, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM cũng rất khó được hâm nóng trở lại vào dịp cuối năm.

Dù trầm lắng một thời gian dài, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM cũng rất khó được hâm nóng trở lại vào dịp cuối năm.

Nhà đầu tư nản lòng

Một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS không sôi động đó là sự vắng mặt của nhà đầu tư. Ông Dương Chí Thiện, phó tổng giám đốc Neoland cho biết, đây là thời điểm khó khăn nhất của thị trường BĐS TP.HCM. Nguồn hàng cung ứng cho thị trường ngày càng nhiều, trong khi các nhà đầu tư lại ngại đổ vốn quá nhiều vào thị trường. Trước đây, khi có dự án mới, một nhà đầu tư lớn của Neoland có thể bỏ tiền mua từ 5 – 10 căn, hoặc cả sàn. Tuy nhiên, hiện nay, họ chỉ mua một đến hai căn, và không phải dự án nào họ cũng tham gia.

Một vị giám đốc sàn giao dịch BĐS khác cho biết, hiện tại, để bảo đảm đầu ra cho dự án, nhiều chủ đầu tư còn đưa ra điều kiện: nếu muốn lấy hàng, thì phải lấy nguyên sàn. Điều đó khiến cho vị giám đốc này bị động do phải huy động nhiều nhà đầu tư lớn của mình, chứ không dám ôm hàng như trước đây. Trong khi đó, một nhà đầu tư chuyên mua sỉ cho biết, trước tình hình trầm lắng của thị trường hiện nay, chỉ nên đầu tư vài căn để thăm dò thị trường, rồi mới quyết định. Nếu ôm một nguồn hàng lớn thì quá rủi ro, vừa phải đóng một khoản tiền theo tiến độ cho chủ đầu tư, trong khi đó, thời gian bán hàng chậm.

Chủ đầu tư xả hàng?

Các nguồn vốn đầu tư vào BĐS gần như đã kiệt, và sau một thời gian dài ủ hàng, chờ giá đến nay, các doanh nghiệp rơi vào tình thế bắt buộc phải xả hàng để thu hồi vốn đầu tư. Việc áp dụng đánh thuế đất dự án theo thị trường khiến nhiều dự án BĐS đã được đầu tư từ trước đây, nhưng giờ mới đầu tư, lại bị áp một mức thuế theo giá thị trường, làm cho giá thành sản phẩm bị đội lên rất cao. Với tình hình thị trường hiện nay, doanh nghiệp không thể cộng thêm khoản tiền thuế vào giá thành được, nên nhiều doanh nghiệp đành chấp nhận bán trước, và nếu phải đóng khoản thuế này, thì đành chấp nhận bù lỗ, hoặc lấy từ các khoản chi phí khác bù vào. Vì lẽ đó, các chuyên gia cho rằng, tình trạng bán tháo hàng thu hồi vốn sẽ tiếp tục diễn ra mạnh vào thời điểm cuối năm nay và đầu năm sau nữa.

Giá căn hộ cao cấp giảm từ 10 – 15%

Hiện các dự án căn hộ cao cấp nằm ở vị trí được coi là khu đất “vàng” của thành phố như: khu vực quận 1, 3 cũng chỉ được rao bán từ 2.200 đến 3.500 USD/m2, giảm hơn so với trước đây từ 10 đến 15%. Các dự án ở khu vực huyện Nhà Bè như: Sài Gòn Mới, Phú Anh Tuấn, Hồng Lĩnh... đang được rao bán với giá từ 10 đến 11 triệu đồng/m2. Trong khi đó, theo tính toán của giới chuyên môn, thời điểm hiện tại, giá đầu tư cho xây dựng ở khu vực này bình quân khoảng trên 10 triệu đồng/m2, chưa kể tiền thuế giá trị gia tăng.

Ngân hàng vẫn thận trọng

Hiện tại, các ngân hàng chỉ ưu đãi các cá nhân, hộ gia đình mua nhà để ở và vẫn tỏ ra thận trọng khi giải ngân cho các dự án mới. Theo lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần phát triển nhà TP.HCM (HDBank), HDBank đang tập trung vốn chủ yếu vào khách hàng cá nhân, gia đình có nhu cầu mua nhà để ở, đặc biệt nhà có giá trị trung bình, nhà ở xã hội. Ngân hàng Standard Chartered hợp tác cho vay vốn mua nhà với công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức. Qua đó, ngân hàng Standard Chartered sẽ hỗ trợ cho khách hàng vay vốn mua nhà thuộc dự án của công ty với số tiền lên tới 70% giá trị căn nhà, thời hạn trả góp lên tới 20 năm. Đối với các dự án đang xây dựng, trong ba năm đầu, khách hàng chỉ cần phải trả tiền lãi của khoản vay.

Trong khi đó, trái với việc đẩy mạnh kênh cho vay tiêu dùng, các ngân hàng tỏ ra thận trọng khi giải ngân vốn cho các dự án mới, mặc dù “room” tín dụng lĩnh vực BĐS chưa phải đã hết. Theo các chuyên gia về tài chính, dư nợ cho vay BĐS đang khá lớn, nếu cứ tiếp tục rót vốn vào các dự án, nhà đầu cơ thổi giá lên, thì khi “bong bóng” bị xì hơi, sẽ rất đáng lo ngại. Giám đốc một ngân hàng thương mại cho hay, sự giảm giá BĐS bằng vốn tự có của doanh nghiệp không gây nhiều sợ hãi, vì giá giảm dần chứ không tụt nhanh, nhưng nếu giảm giá BĐS bằng vốn vay của ngân hàng, thì đó là một thảm hoạ.

(Theo SGTT)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu