Từ cuối năm 2007, giá vật liệu xât dựng tăng phi mã đã đẩy nhiều nhà thầu đến nguy cơ phá sản. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là cơ hội để các nhà thầu rút kinh nghiệm trong việc tính giá bỏ thầu và ký hợp đồng để tránh những rủi ro sau này.
Theo TS Dương Văn Cận - Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng, giá vật liệu năm 2007 so với năm 2006 đã tăng đáng kể: Thép tăng 25,75%, gạch tăng 22,8%, cát tăng 18,9%, nhựa đường tăng 17,5%. Nếu so với năm 2000, riêng thép đã tăng 2,25 lần. Sang đến đầu 2008, giá vật liệu tiếp tục tăng phi mã: Thép tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng đồng kg, ximăng tăng 40% so với cuối năm 2007, gạch tăng gần gấp 3 lần.
Theo tính toán của các nhà chuyên môn, giá vật liệu xây dựng quyết định đến khoảng 60% giá thành công trình. Vật liệu biến động giá dù chỉ 1% thì giá thành công trình đã bị ảnh hưởng. Với tốc độ tăng giá vật liệu như hiện nay, tất cả các công trình đều bị thua lỗ vì vượt quá xa so với dự toán. Ngay cả các hợp đồng có điều khoản điều chỉnh giá, nhà thầu vẫn "vừa làm vừa run" vì chẳng biết có được thanh toán không, do các cơ chế quản lý vẫn xiết chặt. Còn các nhà thầu có hợp đồng trọn gói đều đang "ngồi trên đống lửa", càng làm càng lỗ, nguy cơ phá sản nhãn tiền.
Mới đây Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ Thông tư cho phép các dự án có vốn ngân sách đã ký hợp đồng trọn gói được điều chỉnh giá. Động thái được xem là liều thuốc kịp thời để cứu các nhà thầu. Nhưng nhiều người vẫn tỏ ra lo lắng. Ông Nguyễn Thành Phương - Phó tổng giám đốc Vinaconex cho biết, theo quy định hiện nay, giá vật liệu do sở xây dựng địa phương thông báo. Tuy nhiên nhiều địa phương sợ tổng mức đầu tư các dự án vốn ngân sách đội lên, không thông báo giá kịp thời theo thị trường. Vì thế các dự án thuộc vốn trung ương tại địa bàn có thể vẫn không được cập nhật giá.
Với các nhà thầu có chủ đầu tư tư nhân, nhiều chủ đầu tư đã tỏ ra thông cảm, chấp thuận cho nhà thầu tạm thanh toán vật liệu theo 70% trị giá hoá đơn đỏ. Song các nhà thầu vẫn lo vì sau này không được bộ phận quyết toán chấp nhận thì chỉ còn nước bỏ tiền nhà ra đền.
Một nhà thầu lại lo lắng, trong khi công trình đang cần tiến độ, chủ đầu tư có thể thông cảm giúp nhà thầu nhưng sau này không được hợp pháp hóa bằng những quy định cụ thể thì cả nhà thầu khó lòng bảo vệ được mình. Nguy cơ phá sản vẫn treo lơ lửng trên đầu.
Ông Vũ Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam cho biết, đây không phải là lần đầu tiên các nhà thầu xây dựng phải đối mặt với những biến động về giá cả vật liệu. Nhưng những lần trước sự biến động yếu, lẻ tẻ, không mạnh, dồn dập như lần này. Hơn nữa, trước đây giá xăng dầu, sắt thép.... nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, còn hiện nay giá cả đang dần tiếp cận với thị trường thế giới, tăng giảm, biến động theo giá chung của thị trường.
Đợt bão giá này lại một lần nữa làm lộ ra căn bệnh cố hữu của các nhà thầu: Đua bỏ thầu thấp, không lường hết các chi phí phát sinh, biến động về giá cả. Chưa chú ý đến các điều khoản cho phép điều chỉnh giá thành trong trường hợp có những biến động lớn.
Theo ông Khoa, việc Chính phủ cho phép điều chỉnh giá các hợp đồng thầu trọn gói có vốn ngân sách là một liều thuốc kịp thời cho các doanh nghiệp. Nhưng khi thực hiện việc điều chỉnh này cũng cần phải thận trọng để tránh tái diễn cơ chế "xin cho". Với các nhà thầu có chủ đầu tư tư nhân, hợp đồng trọn gói thì sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự cảm thông của chủ đầu tư.
Ông Khoa cho biết thêm, có một doanh nghiệp xây dựng ở Khánh Hoà đã bị thua lỗ đến 20 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Cho đến nay chưa thống kê được hết tổng số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp, cũng như chưa biết chính xác số công trình phải đình trệ vì những biến động về giá vật liệu xây dựng, nhưng với với tốc độ tăng giá như hiện nay, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.
TS Đặng Huy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng việc cho phép điều chỉnh giá các dự án trọn gói chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài các nhà thầu cần biết tự cứu mình, phải tính toán kỹ lưỡng khi nhận thầu để tuân thủ hợp đồng. Các nhà thầu cũng phải sòng phẳng chấp nhận lời ăn lỗ chịu. Mặt khác các cơ quan quản lý cũng cần học hỏi kinh nghiệm các nước để áp dụng theo thông lệ quốc tế trong hợp đồng xây lắp.
Đắc Kiên