Thường thì giá các loại vật liệu xây dựng hay giảm vào mùa mưa. Vậy nhưng, năm nay quy luật đó đã bị phá vỡ.
Không ít công trình xây dựng lớn hoặc các hộ cá nhân có nhu cầu xây cất nhà cửa đang lo lắng vì chi phí đội lên nằm ngoài tính toán ban đầu.
Dân khổ, nhà thầu lo
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, lượng xi măng tiêu thụ trong tháng 4/2009 ước đạt 4,49 triệu tấn, tăng 0,23 triệu tấn so với tháng 3 và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2008. Giá mặt hàng này cũng tăng khoảng 50.000 đồng/tấn so với trước.
Dự báo tình hình tiêu thụ xi măng tháng 5 sẽ tiếp tục tăng mạnh và giá có thể sẽ còn... tăng nhẹ. Ngoài ra, các loại vật liệu khác như gạch lát nền, gạch chịu lửa, sứ vệ sinh, kính xây dựng... cũng có dấu hiệu tăng trở lại cả về nhu cầu lẫn giá cả. Riêng mặt hàng thép trong một tháng trở lại đây đã chứng kiến 2 lần tăng giá với mức tăng khoảng 200.000 - 400.000 đồng/tấn.
Cụ thể, nguồn tin từ Bộ Công Thương cho biết, giá thép cuộn 6 giao tại nhà máy chưa bao gồm thuế VAT đã tăng từ 9,69 triệu đồng/tấn lên 10,04 triệu đồng/tấn, giá thép tròn 10 tăng từ 10,36 triệu đồng/tấn lên 10,61 triệu đồng/tấn...
Nghịch lý thị trường nói trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân cư. Nhiều gia đình, chủ công trình xây dựng chọn tháng 4 để khởi công xây dựng các công trình nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng đã gặp khó.
Chị Nguyễn Thị Huệ Hằng (số 8, KTT A36 Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Tôi khởi công xây nhà vào cuối tháng 4 vì nghĩ đây là mùa mưa, vật liệu xây dựng thường giảm giá nhưng hiện tại thì không có loại vật liệu nào giảm, thậm chí còn tăng.
Thép cây 11,3 triệu đồng/tấn, xi măng Chinfon 9,6 triệu đồng/tấn; xi măng Hoàng Thạch 10,6 triệu đồng/tấn, đến công thợ cũng phải trả với mức cao là 480.000 đồng/m2 do thời tiết xấu...”.
Còn anh Thiệu Văn Toán (Công ty xây dựng CTGT 842 - Tổng Cty XDCTGT8) là Đội trưởng kiêm Chủ nhiệm công trình hầm xả lũ huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, phàn nàn: “Từ đầu tháng 4 đến nay, thép thanh đã qua 4 lần tăng giá.
Từ 10/4 trở về trước là 9,6 triệu đồng/tấn, từ 10/4 - 20/4 là 10,5 triệu đồng/tấn; từ 20/4 là 11 triệu đồng /tấn và giá thép tính đến ngày hôm nay (14/5) là 11,5 triệu đồng/tấn. Trong khi những năm trước, vào mùa mưa giá vật liệu thường giảm mạnh do sức mua rất thấp”.
Giá lên theo “đầu vào”
Theo các chuyên gia, thì việc tăng giá vật liệu xây dựng không phải do cầu tăng mà nguyên nhân chủ yếu là do giá đầu vào tăng cao. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam khẳng định, việc tăng giá chủ yếu do các công ty thành viên thuộc Tổng Công ty Thép Việt Nam như gang thép Thái Nguyên, thép Biên Hoà, Nhà Bè... thực hiện.
Trước đây, do tiêu thụ chậm và phải cạnh tranh với thép nhập ngoại nên những công ty này đã giữ giá, chấp nhận bán thấp hơn giá thị trường khoảng 200.000 đồng/tấn. Đến nay, thị trường đã phục hồi và giá nguyên liệu đầu vào tăng nên họ đã tranh thủ nâng giá bán để tránh bù lỗ.
Hiện giá phôi thế giới đã tăng 60 USD/tấn, đẩy giá phôi thép từ 360 USD/tấn lên 420 USD/tấn là một tác động đáng kể đến thị trường trong nước. Còn với sự tăng giá của mặt hàng xi măng, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam lý giải, nguyên nhân chủ yếu cũng là bởi “đầu vào”.
Cụ thể, giá than, giá điện tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất xi măng, nên họ buộc phải tăng giá bán để bù đắp chi phí sản xuất. Bên cạnh đó, tình trạng ngưng trệ xây dựng như trước đây đã không tồn tại, nhiều dự án lớn cùng khởi động khiến thị trường cung cấp khởi sắc.
Giá vật liệu xây dựng sẽ còn tăng Ông Phạm Sỹ Liêm dự đoán giá vật liệu lên hay xuống chủ yếu dựa vào giá nguyên liệu đầu vào và nhu cầu của ngành xây dựng. Hiện tại, Chính phủ đang quan tâm đến gói kích cầu phát triển hạ tầng do đó, chuyện tăng giá xi măng, sắt thép là điều khó tránh.
Các loại vật liệu hoàn thiện như sơn, cửa... thì phụ thuộc vào nhu cầu của bất động sản cũng đang bắt đầu ấm dần lên, nên giá vật liệu xây dựng cũng như giá các thiết bị điện, nước sẽ còn khởi sắc. Do đó, thời gian tới giá vật liệu xây dựng sẽ vẫn còn tăng.
(Theo GĐ & XH)