Trong buổi gặp gỡ cuối năm của kiều bào, rất nhiều ý kiến đồng tình trước chính sách tạo điều kiện cho bà con hướng về quê hương. Gần đây nhất, vấn đề Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam càng làm cho bà con phấn khích hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những ý kiến cho rằng rất khó để kiều bào có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Quy định đã có, hướng dẫn thủ tục chưa rõ ràng
Hiện nay những quy định hướng dẫn của Chính phủ về việc cho phép Việt kiều được quyền mua nhà đang ngày càng có xu hướng thuận lợi và mở rộng hơn cho nhiều đối tượng. Song, ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể những trình tự thủ tục lại gặp không ít những khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến nhu cầu Việt kiều mua nhà tại Việt Nam còn hạn chế.
Một số quy định về quyền sở hữu nhà đất vẫn chưa thực sự rõ ràng. Theo đó, Việt kiều có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất nhưng nhiều địa phương chưa dám duyệt. Có chăng, chỉ cho phép Việt kiều được mua và sở hữu nhà nhưng không được quyền sở hữu đất. Chị Lan, Việt kiều Bỉ cho rằng, xuất phát từ nguyên nhân trên nên đành chọn giải pháp an toàn nhất là nhờ người thân đứng tên dùm mình.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân, chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết có đến 80% người nước ngoài phải nhập tịch. Sau một thời gian, kiều bào lại có nguyện vọng muốn nhập tịch và mua nhà tại Việt Nam để hướng đến cuộc sống lâu dài. Thực tế, việc sở hữu nhà của Việt kiều vẫn phải bị lệ thuộc vào người khác và không danh chính ngôn thuận.
Từ Canada, anh Trung mong muốn sở hữu cho mình một căn nhà tại TP HCM để có nơi đi về thường xuyên hơn. Do quy định sở hữu nhà của Việt kiều còn khó khăn, anh Trung đã chấp nhận cho vợ có quốc tịch Việt Nam đứng tên chung. Anh Trung cho biết, thời điểm này là vào tháng 10/2009, khi đó Chính phủ đã ban hành quy định cho phép Việt kiều được sở hữu nhà ở. Thế nhưng, khi đi đăng ký sở hữu nhà với vợ mình thì lại bị cấp chính quyền địa phương thẳng thừng từ chối.
Sở dĩ có tình trạng trên là do quy định cho phép Việt kiều mua nhà tại Việt Nam còn quá mới. Trong khi đó, quy định trên vẫn chưa có nghị định hướng dẫn cụ thể thủ tục, trình tự rõ ràng. Tiến sĩ Lương Bạch Vân phân tích, vì lẽ đó nhiều Việt kiều có nhu cầu mua nhà nhưng chưa thể sở hữu được nhà.
Sẽ nới rộng hơn về quy định về nhà ở
Theo quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, người về đầu tư trực tiếp, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan tổ chức trong nước có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam… được phép định cư từ 3 tháng trở lên có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Nếu Việt kiều muốn mua nhà tại Việt Nam còn phải chứng minh được mình là người gốc Việt. Tuy nhiên, việc xác minh này không dễ và nhất là trong trường hợp được sinh ra ở nước ngoài, nay bố mẹ đều đã mất…
Nhu cầu có chỗ ở là thực sự cần thiết với bà con Việt kiều. Mong muốn của bà con là cần có một chỗ ở để thường xuyên đi về thăm quê hương hơn. Một trong những rào cản khiến cơ quan chức năng cấp địa phương tỏ ra lúng túng khi thực thi các quy định Việt kiều mua nhà là do việc ban hành hướng dẫn chưa kịp thời.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng khẳng định, thời gian tới, phía cơ quan chức năng sẽ sớm nhanh chóng ban hành hướng dẫn để tháo gỡ vướng mắc trên. Tuy nhiên, để tránh xác định nhầm đối tượng, thì việc xác định rõ đối tượng nào được hưởng ưu đãi mua căn hộ không giới hạn và những đối tựơng chỉ được mua 1 căn hộ duy nhất sẽ được quy định cụ thể hơn.
Đối tượng được mua nhiều nhà là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam. Việt kiều thuộc diện về Việt Nam đầu tư trực tiếp, người có công, nhà khoa học và những cá nhân có kỹ năng đặc biệt phục vụ cho đất nước Việt Nam vẫn thuộc diện này. Riêng, những Việt kiều thuộc các trường hợp còn lại chỉ được mua một nhà.
Hiện, Bộ Xây dưng đang soạn thảo cảI tiến quy định, thủ tục để những Việt kiều cư trú tại Việt Nam chỉ từ 3 tháng trở cũng có quyền mua một căn nhà hoặc căn hộ chung cư.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết thêm: “Cục quản lý nhà đang kiến nghị Bộ bổ sung thêm trường hợp người có vợ hoặc chồng đang sống ở Việt Nam và người có kỹ năng đặc biệt đang phục vụ cho cơ quan Nhà nước sẽ được mua nhiều nhà tại Việt Nam”.
Tiến sĩ Lương Bạch Vân, chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, năm 2009 cả nước có khoảng 20 kiều bào được chấp thuận mua nhà tại Việt Nam. Riêng ở TP HCM chiếm hơn một nữa. Tổng cộng cả nước có khoảng 140 Việt kiều đã mua nhà đất tại Việt Nam do mình sở hữu quyền sử dụng nhà và đất. Tuy nhiên, Việt Nam có đến hơn 4 triệu người đang sinh sống ở nước ngoài nên con số trên chưa tương xứng với nhu cầu thực tế của kiều bào. |
(Theo CAND)