Chậm nhất trong tháng 10-2010, sẽ có đầy đủ những hướng dẫn mới quy định về việc Việt kiều mua nhà tại VN.
Sau gần 2 tháng triển khai Nghị định 71/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung về Luật Nhà ở (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8-8), số lượng Việt kiều mua nhà tại VN vẫn chưa có dấu hiệu tăng lên.
Theo nhận định chung, nghị định này đã rộng cửa cho Việt kiều mua nhà và không hạn chế về số lượng nếu còn giữ quốc tịch VN nhưng thực tế không phải đã hết vướng mắc.
Không thể mở toang
Cuối tháng 9-2010, gần 200 Việt kiều từ các quốc gia Mỹ, Pháp, Canada... đã tham dự buổi tọa đàm nhằm phổ biến những quy định mới về diện Việt kiều được mua nhà tại VN đề cập trong Nghị định 71 do Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TPHCM phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức.
Theo phản ánh của đa số Việt kiều, họ vẫn không thể mua và đứng tên sở hữu nhà ở bởi hai nguyên nhân cơ bản là vướng mắc trong việc xác định các loại giấy tờ chứng minh và quy định hạn chế đối tượng được sở hữu nhà ở, đất ở tại VN.
“Quy định có vẻ đơn giản nhưng khi chúng tôi đi xác minh, chứng giấy tờ và làm các thủ tục mua nhà thì không đơn giản chút nào” - một kiều bào nói. Một trở ngại khác là nhiều người định cư ở nước ngoài khá lâu, những loại giấy tờ liên quan đến cha, mẹ, họ hàng phần lớn bị thất lạc nên việc chứng minh không hề đơn giản...
Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết dù nghị định 71 đã có hiệu lực song vẫn chưa thể áp dụng vì còn chờ hướng dẫn, chậm nhất là trong tháng 10 mới có đầy đủ.
Ông Hiệp cũng nhận xét dù chính sách đã có một số điều khoản mở, cho phép kiều bào được mua và sở hữu nhà, giải quyết vướng mắc của kiều bào về thủ tục mua nhà tại VN nhưng việc hạn chế số lượng nhà cũng khiến nhiều người hụt hẫng. “Kiều bào cũng có những mong muốn như người trong nước, họ quan niệm nếu đủ khả năng tài chính thì mua càng nhiều nhà càng tốt. Tuy nhiên, luật chỉ mở có chừng mực, không thể mở toang...” - ông nói.
Đồng tình với ý kiến của ông Hiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TPHCM, ông Trần Hòa Phương, cho biết từ khi Nghị định 71 có hiệu lực đến nay, nhìn chung lượng kiều bào mua nhà vẫn chưa có đột biến.
Thích đất hơn nhà
Nhiều kiều bào cho rằng Nghị định 71 dù được đánh giá “thoáng” nhưng họ chỉ có thể mua được một căn nhà hoặc đất ở trong dự án chứ không được mua đất nông nghiệp, thậm chí người thân cho đất cũng không được đứng tên...
“Tôi đủ điều kiện về cư trú và quốc tịch, muốn mua một căn nhà tại TPHCM và vài mẫu đất để làm nông trại tại Đà Lạt, pháp luật có cho phép hay không?” - ông Trần Hùng, Việt kiều Mỹ, đặt câu hỏi. Còn ông Tuân, Việt kiều Đức, tỏ ra thất vọng vì ông được cha mẹ cho thừa kế một mảnh đất tại VN nhưng luật quy định không cho Việt kiều sở hữu đất, chỉ được sở hữu nhà để ở...
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, bà Ung Thị Xuân Hương, giải thích theo quy định hiện nay, kiều bào chỉ được sở hữu nhà ở chứ không được sở hữu đất riêng lẻ. Nếu kiều bào có nguyện vọng mua đất thì đất đó phải là đất ở trong dự án của các tổ chức có chức năng kinh doanh bất động sản. Trường hợp cho đất mà không có nhà thì kiều bào cũng không được sở hữu.
Muốn giải bài toán này, kiều bào phải có nhà ở gắn liền với diện tích đất. “Cơ quan chức năng chỉ có thể hướng dẫn kiều bào theo đúng các quy định của pháp luật, mặc dù rất nhiều kiều bào mong muốn được sở hữu nhiều nhà đất hơn” - bà nói.
Cũng theo bà Hương, Nghị định 71 đã bổ sung, sửa đổi và làm rõ nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là mở rộng đối tượng được sở hữu nhà tại VN của Việt kiều và quy định rõ về điều kiện để được sở hữu nhà ở tại VN.
(Theo NLĐ)