Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, giá thành rẻ là một ưu thế để nhà xây dựng bằng 3D-panel tạo ra một bước đột phá trên thị trường nhà đất. Ứng dụng công nghệ 3D-panel để xây nhà cao tầng là một lời giải thích hợp.
Nhanh, rẻ, bền
Công nghệ 3D-panel có mặt tại Việt Nam từ đầu những năm 90. Theo các chuyên gia về xây dựng, ưu điểm nổi bật của công nghệ này là tạo cho công trình xây dựng khả năng chịu lực cao, có thể chịu được bão với sức gió 300 km/h, chịu được động đất 7,5 độ Richter. Những tấm 3D-panel với kết cấu 3 chiều hình thành bởi lưới thép đan vào nhau, ở giữa là lớp mút xốp vừa có tác dụng cách âm, cách nhiệt vừa giúp làm giảm khối lượng so với tường gạch hay sàn bê tông truyền thống. Mỗi mét vuông tường, sàn bằng tấm 3D-panel có khối lượng chỉ khoảng 60% so với tường gạch và sàn bê tông có cùng kích thước. Không chỉ thích hợp cho những chung cư cao tầng xây dựng trên nền đất yếu vì tiết kiệm chi phí gia cố móng, 3D-panel có thể thay thế hữu hiệu gạch xây dựng vốn phải khai thác tài nguyên đất.
Những tấm 3D-panel được đúc sẵn theo thiết kế nên thời gian thi công nhanh và không đòi hỏi phải có giàn giáo rườm rà hay phương tiện cơ giới nặng nề. Nhờ vậy, nếu ứng dụng vào xây dựng nhà cao tầng thì chắc chắn giá thành phần thô của công trình sẽ rẻ hơn ít nhất 20% so với kỹ thuật xây dựng truyền thống, đồng thời vẫn bảo đảm tuổi thọ không dưới 50 năm.
Theo một công ty chuyên sản xuất tấm 3D-panel tại TP HCM, ngoài hạt polysterence để sản xuất mút xốp hiện tạm thời phải nhập khẩu, các loại phụ gia, lưới thép... để chế tạo tấm 3D-panel hoàn toàn có thể tự túc từ trong nước. Riêng thiết bị công nghệ ban đầu phải nhập từ nước ngoài với chi phí đầu tư ban đầu cho một nhà máy khoảng 11 triệu USD.
Sẽ được ứng dụng rộng rãi
Có mặt tại Việt Nam từ khá lâu, nhưng cho đến nay việc ứng dụng loại vật liệu này hầu như không đáng kể. Từ năm 1996 sau khi tham quan hai ngôi nhà xây thử nghiệm bằng 3D-panel tại huyện Bình Chánh, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã cho phép nhập dây chuyền xây dựng 3 nhà máy sản xuất 3D-panel tại Cần Thơ, Quảng Ngãi và TP HCM. Tuy nhiên, có thể do giá thành chuyển giao công nghệ quá cao nên sau đó không có đơn vị nào đầu tư. Đến năm 2002, Công ty Cổ phần Thế Kỷ Mới (TP HCM) đã đầu tư gần 10 triệu USD để xây dựng nhà máy sản xuất 3D-panel công suất 2 triệu m2/năm. Hiện nay, một số công ty, đơn vị tại TP HCM đã triển khai sản xuất và cung cấp 3D-panel cho thị trường xây dựng nhưng với quy mô nhỏ lẻ, theo từng đơn đặt hàng của khách.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh địa ốc, giá thành rẻ là một ưu thế để nhà xây dựng bằng 3D-panel tạo ra một bước đột phá, thậm chí là một cơn sốt trên thị trường nhà đất. Ông Lưu Huy Biên, Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Sông Đà, cho biết với gần 30 ha đất được thành phố chấp thuận giao tại quận 7, công ty đang sẵn sàng cho việc nhập thiết bị, công nghệ để đưa vào ứng dụng xây dựng chung cư cao tầng bằng 3D-panel để phục vụ người thu nhập thấp.
Bộ Xây dựng đã ra quyết định về định mức dự toán xây dựng công trình và bảng đơn giá xây dựng cơ bản do UBND TP HCM ban hành tháng 7/2006 đã có tính đến định mức ứng dụng vật liệu 3D-panel, bước đầu tạo cơ sở để ứng dụng rộng rãi công nghệ này trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay, nước ta vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn về kỹ thuật, chất lượng nên việc áp dụng công nghệ này cho những công trình lớn, cao tầng (đặc biệt là các công trình có vốn ngân sách) còn vướng về mặt pháp lý. Các chuyên gia xây dựng nhận định, mặc dù công nghệ 3D-panel được xem là lời giải cho bài toán nhà giá rẻ nhưng để có thể tạo ra một cơn sốt trên thị trường thì không phải chuyện dễ dàng.
(Theo NLĐ)