SearchNews

Ảo thuật nhà cho sinh viên

15/12/2006 10:53

Núp bóng làm nhà cho sinh viên, các nhà đầu tư nhanh chóng được phê duyệt dự án, được cấp đất với nhiều ưu đãi. Nhà được xây lên nhưng người ở lại không hẳn là sinh viên, đối tượng phục vụ của dự án.

Núp bóng làm nhà cho sinh viên, các nhà đầu tư nhanh chóng được phê duyệt dự án, được cấp đất với nhiều ưu đãi. Nhà được xây lên nhưng người ở lại không hẳn là sinh viên, đối tượng phục vụ của dự án.

Nhà cho sinh viên là chiêu bài kiếm lợi. Ảnh: CAND

Bên cạnh quỹ nhà dành cho người dân trong diện tái định cư và nhà ở kinh doanh, thành phố vẫn có chính sách ưu đãi đối với việc đầu tư xây dựng nhà ở cho người nghèo, người được hưởng chính sách xã hội, đặc biệt là sinh viên.

Nhưng gần đây, nhiều chủ đầu tư lợi dụng chính sách ưu đãi, lập dự án, được phê duyệt rồi tự ý chuyển đổi mục đích dự án.

Dự án nhà ở cho sinh viên tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) là một ví dụ. Tháng 3/2001, thành phố Hà Nội có Quyết định 1378 giao gần 10.000 m2 đất tại phường Dịch Vọng Hậu cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thăng Long (Công ty Thăng Long) để xây dựng ký túc xá sinh viên và các hạng mục bếp ăn, câu lạc bộ... Chủ đầu tư được ưu đãi, không phải nộp tiền sử dụng đất và tiền thuê đất, kể cả diện tích đất tầng I và công trình dịch vụ.

Sau đó, Công ty Thăng Long và Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam đã thành lập một pháp nhân mới mang tên Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ Long Việt (Công ty Long Việt) để tham gia dự án. Tuy nhiên, khi lập hồ sơ xin sử dụng đất cho dự án, pháp nhân Long Việt không hề được nhắc tới. Ngay sau khi được cấp đất, Tổng Công ty Bảo hiểm Việt Nam lại rút vốn không tham gia dự án nữa. Lúc này chỉ còn Công ty Thăng Long tìm cách liên doanh, liên kết huy động vốn của các đơn vị và các gia đình có con em học các trường đại học, cao đẳng tại Hà Nội đầu tư vào dự án.

Tháng 9/2001, Công ty Thăng Long đã chấp thuận để Công ty Sông Đà I tham gia góp vốn đầu tư xây dựng và quản lý khai thác toà nhà kép, gồm 2 đơn nguyên tại Bắc ký túc xá có diện tích 514 m2, với mục đích làm chỗ ở cho sinh viên, học sinh học nghề, thực tập sinh, nghiên cứu sinh, cán bộ được đào tạo sống độc thân hoặc ở cùng gia đình.

Trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc đó, hai bên ký hợp đồng kinh tế về việc góp vốn đầu tư thứ phát. Trong đó, Công ty Sông Đà I với vai trò là chủ đầu tư dự án có tổng mức đầu tư 16,2 tỷ đồng, góp trước 3,9 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật (trên diện tích 514m2), gồm hai toà nhà cho sinh viên thuê.

Ngoài ra, Công ty Thăng Long còn ký các hợp đồng đầu tư dưới dạng "đơn xin tham gia làm cổ đông" đối với một số hộ gia đình và cá nhân để góp vốn xây dựng các căn hộ theo thoả thuận. Ví dụ, sinh viên Nguyễn Đình Hiếu, trú tại Việt Trì, Phú Thọ, có đơn xin tham gia làm cổ đông đầu tư cho riêng căn hộ 301, loại 1, tầng3 toà nhà A2 với số vốn góp là 445,7 triệu đồng. Ngày 28/1/2005, tổng giám đốc Công ty Thăng Long đã có hợp đồng với Nguyễn Đình Hiếu và bàn giao căn hộ sử dụng kèm theo "quyền chuyển nhượng quyền đầu tư" và "quyền thay mặt chủ đầu tư quản lý"...

Thực chất, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đây là hợp đồng bán căn hộ trái pháp luật nhưng núp dưới "chiêu" làm nhà ở cho sinh viên. Kết quả thanh tra của sở cho thấy, trong tổng số 249 căn hộ đã đưa vào sử dụng thì chỉ có 56 căn hộ cho sinh viên thuê, 193 căn hộ đã làm nhà ở cho các gia đình, 139 căn hộ về thực chất là bán cho các gia đình sinh viên khi huy động vốn, còn lại nhiều căn hộ chủ đầu tư chưa thể giải trình được làm cho ai sử dụng.

(Theo CAND)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu