Cách đây 2 năm, có người đặt câu hỏi: bao giờ mới hết tắc đường ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội? Và một lãnh đạo ngành Giao thông vận tải (GTVT) ở Trung ương lúc bấy giờ đã trả lời: độ 10-15 năm nữa.
Người đặt câu hỏi này có phần đòi hỏi quá cao. Còn người trả lời như vậy cũng lại chủ quan. Đặc biệt từ năm 2009, Giám đốc một Sở chức năng ở Hà Nội đã tuyên bố "xanh rờn”: với biện pháp "bịt, chặn” giao lộ được phát huy nhân rộng trong năm 2010, sẽ hết tắc đường Thủ đô! Thực tế, đến năm nay-2011, tuyên bố đó đã trở thành ảo vọng.
Hiện nay, với việc cắm biển cấm lưu hành mô tô, xe gắn máy 2 bánh trên đường đô thị; cộng thêm giải pháp phân làn đường bằng cách chỉ chôn 1 cọc ở giữa đường, cùng một mẩu dải phân cách tạm bợ, rồi vẽ mấy vạch sơn lên mặt các tuyến phố (để phân làn đường xe 4 bánh, làn đường xe 2 bánh ở Hà Nội) liệu đến cuối năm 2012, ùn tắc giao thông tại 2 TP Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ giảm... như mong muốn hay không?
Ai cũng biết, hết hoặc giảm tắc đường có liên quan đến rất nhiều công việc, lĩnh vực (thuộc các ban, ngành khác) ngoài "tầm tay” ngành GTVT và Cảnh sát giao thông (thuộc lực lượng Công an). Trong khi ngành GTVT lao tâm, khổ tứ, tìm cách giảm bớt mật độ phương tiện giao thông để tổ chức dòng xe thông suốt trên phố thì ngành quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cùng chính quyền địa phương cứ tiếp tục, cho chèn, cấy, xây cất những biu-đinh (cao ốc), chung cư cao tầng "vô tội vạ”, bám sát lòng đường, mặt ngõ vốn đã nhỏ hẹp tức là sai tiêu chuẩn kỹ thuật về chiều cao toà nhà so với bề rộng lòng đường, mặt ngõ; vi phạm hệ số sử dụng đất, vi phạm quy định về mật độ dân cư, làm cho mật độ phương tiện giao thông gia tăng-quá khả năng thông xe của phố... dẫn đến tắc đường.
Như thế có khác nào "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Hoặc ngành giáo dục-đào tạo cho các trường tiểu học phổ thông dân lập chiêu sinh tràn lan, bất kể đúng tuyến hay trái tuyến, khiến thường xuyên hàng ngày họ phải dùng khá nhiều ô tô 4 bánh lưu hành "chéo cánh”, đưa đón các cháu học sinh từ đầu thành phố đến cuối thành phố, từ các quận nọ chạy sang học ở các quận kia và ngược lại, cũng là 1 nguyên nhân tắc đường...
Thậm chí ngoài thành phần xe buýt-một phương tiện giao thông công cộng chủ yếu hiện nay - đến khi các thành phố lớn ở nước ta có thêm những phương tiện giao thông công cộng khác như: tàu điện bánh lốp, tàu điện ngầm... chúng ta cũng chớ vội "hí hửng” hết tắc đường-nếu như việc quản lý xã hội, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức giao thông... bất cập.
Một kinh nghiệm thực tế ở Thái Lan, từ những năm 1960-1970 đã có đường tầng (đường trên cao) và đến năm 1990 họ xuất hiện tàu điện công cộng. Thế mà gần đây người Bangkok vẫn phải đi làm từ sớm tinh mơ, vì nếu đi muộn sẽ bị ùn tắc đường. Như vậy hơn 45 năm-sau khi có đường trên cao và hơn 15 năm-sau khi có tàu điện công cộng, Bangkok Thái lan vẫn chưa thể hết ùn tắc giao thông.
Trở lại Việt Nam, mặc dù các ngành chức năng đang lập đề án 6 tuyến đường trên cao và 5 đô thị vệ tinh ở thành phố Hà Nội. Còn TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng, dìm hầm Thủ Thiêm, dài 370 m, sâu 12 m dưới đáy sông Sài Gòn, thuộc tuy-nen (đường hầm) nối từ quận 1 sang quận 2 (với tổng chiều dài 1490 m, rộng 33 m). Và đây là những tín hiệu vui để hy vọng sẽ góp phần giảm tắc đường 2 TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội.
Sau đây là 2 kiến nghị góp phần giảm tắc đường 2 TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội hiện nay:
Thứ nhất, về quy hoạch kiến trúc, xây dựng đô thị, cần hết sức tránh mất cân đối giữa mật độ dân cư với bề rộng đường phố. Cần thực hiện cưỡng chế, phá bỏ toàn bộ các tầng cao ốc xây dựng không có giấy phép (hoặc vượt giấy phép). Và để hạn chế tình trạng vi phạm trong xây dựng làm ảnh hưởng đến giao thông, kiến nghị từ lãnh đạo UBND các phường cần sao chụp tất cả những Giấy phép xây dựng (trong địa bàn, lãnh thổ) gửi xuống Tổ trưởng Tổ dân phố, Ban Công tác Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở để thực hiện chức năng (phối hợp với lực lượng Thanh tra Xây dựng) theo dõi, giám sát việc xây cất các ngôi nhà, công trình phải đúng với Giấy phép xây dựng về số tầng, chiều cao, chiều rộng...
Thứ hai, về quản lý xã hội, quy hoạch kiến trúc xây dựng đô thị vệ tinh (ở Thủ đô) phải hợp lý, đồng bộ cả về mặt sinh hoạt, dịch vụ... sao cho cư dân đô thị vệ tinh không cần thiết thường xuyên, hàng ngày phải đi về khu vực đô thị trung tâm-hạt nhân (nội thành Hà Nội) và ngược lại, để hạn chế mật độ giao thông-giảm tắc đường.
( Theo DDK)