Chỉ vì sự cả tin, thiếu hiểu biết, nhiều người dân đã mất cả cơ nghiệp khi cho mượn những cuốn sổ đỏ nhà đất đang ở.
Bà Lã Thị Oanh, xã Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội vì cả tin đã cho cháu của mình là chị Nguyễn Thị Hậu mượn sổ đỏ để vay 50 triệu của một người ở Đông Anh (Hà Nội). Nghe theo lời của Hậu, cả bà Oanh và chồng đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng mảnh đất mình đang ở cho người khác.
Đến nay, mảnh đất của bà đã bị chuyển nhượng qua 3 chủ. Và dù chẳng được cầm một đồng nào từ số tiền 50 triệu Hậu vay nhưng mấy năm qua, bà Oanh thường xuyên chịu áp lực của người mua đất đến đòi nhà, đòi tiền.
Bà Oanh cho biết: “Vì nghĩ nó là con cháu nên mình cũng tin tưởng. Nó bảo ký vào hợp đồng chúng tôi cũng ký, chứ dân quê chúng tôi đâu biết đó là giấy bán nhà”.
Còn ông Nguyễn Trọng Quỳ, một người dân khác ở xã Việt Long, cũng đang bức xúc vì cả tin cho Nguyễn Thị Hậu mượn sổ đỏ rồi ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất để vay tiền của một người ở Hà Nội. Bây giờ, dù gia đình ông đã xây ngôi nhà của mình trên mảnh đất đó, nhưng ông cũng không thể đòi lại được sổ đỏ.
Tại xã Việt Long đã có đến hơn 50 hộ dân vì cả tin cho bà con, họ hàng mượn sổ đỏ để vay tiền và ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất. Có người chỉ nhận được vài triệu tiền vay, có người thậm chí chưa nhận được đồng nào và đến nay không biết sổ đỏ nhà đất của mình đang được thế chấp ở đâu, hay đã chuyển nhượng qua bao nhiêu lần chủ.
Ông Nguyễn Viết Lãng, Phó chủ tịch UBND Xã Việt Long, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết: “Nhiều người dân viết đơn đề nghị đòi lại sổ đỏ, nhưng bây giờ thậm chí không biết sổ đỏ của họ đang ở đâu. Có những trường hợp sổ đỏ đã bị đặt lấy tiền lên đến tiền tỷ nhưng người dân vẫn chưa nhận được đồng nào”.
Theo luật sư Vũ Mạnh Hùng, Văn phòng "Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự", với những trường hợp người dân cho mượn sổ đỏ mà lại ký vào hợp đồng chuyển nhượng đất như vậy thì việc đòi lại sổ đỏ là không hề đơn giản.
Ông Hùng cho rằng: “Với những trường hợp người dân muốn đòi lại sổ đỏ có thể kiện ra tòa án dân sự, tuy nhiên việc đòi lại này là rất khó vì khi ra ký chuyển nhượng tại phòng công chứng thì đó đã là một giao dịch hợp pháp được công nhận”.
Luật sư Vũ Mạnh Hùng cũng cho biết, có những trường hợp tuy người dân đã ký hợp đồng chuyển nhượng đất nhưng sổ đỏ chưa sang tên người mua, người dân có thể làm đơn đến Phòng Tài nguyên môi trường đề nghị dừng giao dịch.
Vì nếu có tranh chấp, Phòng Tài nguyên môi trường sẽ không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người mua mới. Và tiếp đó, họ có thể nộp đơn lên Tòa án đề nghị lấy lại sổ đỏ. Tuy nhiên, giải quyết sự việc sẽ là một quá trình không hề đơn giản.
Theo vtv.vn