Mặc dù Hà Nội có tiềm năng phát triển mạnh loại hình du lịch văn hóa, nhưng thời gian qua ngành du lịch (DL) Thủ đô chưa phát huy hết giá trị di sản văn hoá trong xây dựng tour, tuyến DL.
Đó là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại hội thảo "Phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô để phát triển du lịch", do Sở VH TT&DL Hà Nội tổ chức (chiều 18/4) bên lề Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam.
Du lịch vẫn nặng tính tự phát
Theo số liệu thống kê, Hà Nội là địa bàn có số lượng di tích lịch sử nhiều nhất toàn quốc với 5.316 di tích. Tuy nhiên, việc phát huy giá trị di sản văn hoá trong phát triển DL chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội. Ngoài các điểm đến như đền Ngọc Sơn, Khu di tích Cổ Loa, Hoàng Thành Thăng Long... còn rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa chưa được khai thác như: Chùa Đậu với 2 pho "tượng táng", đình cổ Chu Quyến, làng cổ Đông Ngạc, Cự Đà... đó là chưa kể đến những bộ môn nghệ thuật truyền thống như: Ca trù (Di sản Văn hoá thế giới), xẩm, võ thuật cổ truyền… chưa được tổ chức, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến du khách.
Nguyên nhân không nhỏ của thực trạng này là việc khai thác di sản văn hóa, lịch sử chưa được quy hoạch bài bản dẫn đến việc khai thác theo kiểu tự phát. Mặt khác, không ít DN DL chưa thực sự quan tâm tìm hiểu, đầu tư xây dựng các sản phẩm DL mà chủ yếu là tận dụng một vài điểm đến đã có "thương hiệu".
Doanh nghiệp du lịch phải vào cuộc
Để phát huy được thế mạnh văn hóa, lịch sử, từ đó xây dựng tour, tuyến mới, thu hút du khách, việc xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển ngành DL là điều cần thiết.
Ths. Đặng Thị Hồng Hạnh, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: Hà Nội cần xây dựng chiến lược phát triển DL Thủ đô, trong đó đặc biệt chú trọng tới các dự án DL được xây dựng trong 10 - 20 năm tới, xác định rõ những dự án trọng điểm, có tính khả thi cao...
Nhiều đại biểu có chung ý kiến, trong thời gian tới, lãnh đạo TP cần xây dựng Đề án phát triển sản phẩm DL văn hoá phù hợp với Quy hoạch Phát triển DL Hà Nội nói riêng và Quy hoạch Phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội một cách hợp lý, có tính khả thi cao, bởi đây sẽ là cơ sở cho các kế hoạch, dự án đầu tư phát triển DL được phân kỳ theo từng giai đoạn. Ông Emmanuel Cerise, Giám đốc dự án Hợp tác Phát triển đô thị (IMV) với Sở VH TT&DL Hà Nội đề xuất, trong thời gian tới ngành DL Hà Nội nên đầu tư, xây dựng nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ khác nhau để du khách có nhiều sự lựa chọn...
Tuy nhiên, để có thể "biến" quy hoạch từ lý thuyết thành thực tế không chỉ trông chờ vào các cấp chính quyền mà chính bản thân DN du lịch phải "vào cuộc". Muốn làm được điều đó chính quyền TP Hà Nội cần có những chính sách khuyến khích về đầu tư, đất đai, thuế… cho những DN DL đầu tư trực tiếp vào các điểm đến văn hoá hoặc khu vực lân cận để phát triển DL văn hoá và các loại hình DL khác. Có như vậy mới tạo nên sự hợp tác bền vững giữa DN DL với các điểm đến văn hóa trên địa bàn.
Theo KTĐT