SearchNews

Gạch AAC xuất ngoại vượt khó

24/04/2012 08:36

Trong quý I/2012, các dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp (AAC) sản xuất không vượt quá 30% công suất thiết kế. Một số doanh nghiệp đã và đang tìm hướng xuất khẩu để vượt qua khó khăn.

Trong quý I/2012, các dây chuyền gạch bê tông khí chưng áp (AAC) sản xuất không vượt quá 30% công suất thiết kế. Một số doanh nghiệp đã và đang tìm hướng xuất khẩu để vượt qua khó khăn.

Nhãn hàng E-Block của Công ty Tân Kỷ Nguyên, V-Block của Công ty Vương Hải đã có những lô hàng xuất sang nước ngoài.

Gạch AAC

Một vài năm trở lại đây, các dây chuyền sản xuất gạch tuynel thường chạy ít nhất đạt 80% công suất thiết kế, thì dây chuyền gạch AAC chưa bao giờ đạt tới con số 50% công suất. Tiêu thụ vật liệu xây dựng không nung (trong đó có gạch AAC) cũng chỉ đạt con số 5 - 7% thị phần mỗi năm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, gạch AAC bắt đầu nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, góp phần giảm lượng thép phải dùng trong kết cấu chịu lực của mỗi công trình. Đặc biệt, các chung cư, cao ốc văn phòng, kết cấu nhẹ mới giảm được kết cấu nền móng là lý do mà gạch AAC bắt đầu khẳng định được vị thế.

Theo tính toán của tư vấn thiết kế, thì tùy loại và số tầng cao của mỗi công trình, nếu dùng gạch AAC sẽ tiết kiệm từ 10 - 30% cốt thép. Tại TP. HCM, nhãn hàng V-Block sẽ tiếp tục được sử dụng cho các công trình của Tập đoàn Thiên Nam, các Cao ốc Nguyễn Lâm, Đại Thành, Khách sạn Phương Anh, Nhà ở Bộ đội biên phòng quận Gò Vấp, Nhà ở cán bộ của Tập đoàn Dầu khí...

Mặc dù thị trường trong nước đã có những tín hiệu lạc quan nhất định, nhưng thời điểm này, để tiêu thụ gạch AAC vẫn không dễ. Thị trường xây dựng ảm đạm khiến cấp độ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng được nhận định tăng gấp 3 lần. Ế hàng là cụm từ thông dụng của tất cả các nhóm hàng từ xi măng, sắt thép, gạch đến chiếu sáng, nội thất... Ngay cả gạch tuynel và gạch thủ công (gạch đỏ) - sản phẩm xây dựng truyền thống với lượng tiêu thụ khoảng 18 tỷ viên mỗi năm cũng đang ế dài. Trong bối cảnh đó, gạch không nung cũng không tránh khỏi tình trạng khó khăn chung và xuất khẩu được xem như “lối thoát hi hữu”. Thông qua đối tác thương mại, mỗi tháng Công ty Tân Kỷ Nguyên với nhãn hàng E-Block đã xuất sang thị trường châu Âu (chủ yếu là thị trường Nga) khoảng 70 container.

Ông Nguyễn Thạc Quang, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Tân Kỷ Nguyên cho biết: “Hiện nay, E-Block đã trở thành nhãn hàng quen thuộc trên thị trường nội địa, nhưng lượng tiêu thụ không đáng kể. Sản lượng tiêu thụ của Tân Kỷ Nguyên chủ yếu là xuất khẩu, nhưng thị trường mà Công ty kỳ vọng vẫn là trong nước. Tuy nhiên, lúc nào thị trường trong nước rộng mở thì chúng tôi còn phải chờ đợi dài dài”.

Gạch AAC

Mới đây, những lô hàng đầu tiên của Công ty Vương Hải với nhãn hiệu V-Block cũng xuất sang thị trường Campuchia và Lào. Ông Đàm Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh chia sẻ: “Những lô hàng xuất sang Campuchia và Lào do đối tác mua tại Việt Nam và xuất đi. Vì thế, chúng tôi bán được hàng, nhưng thương hiệu không có. Hiện sản phẩm của Công ty đạt chuẩn xuất khẩu sang Úc và Công ty sẽ có lô hàng đầu tiên xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này”.

Việc 2 nhãn hàng gạch AAC của Việt Nam đảm bảo được tiêu chí gắt gao và có mặt ở những thị trường tên tuổi như Nga và Úc đã khẳng định chất lượng của sản phẩm. Hiện nay, việc tiêu thụ gạch AAC đang gặp khó khăn, bởi sản phẩm vẫn mới ở Việt Nam, dù trên thế giới đã dùng cách đây 70 năm. Lượng hàng xuất không nhiều, nhưng việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu được xem là hướng đi mới của gạch AAC trong bối cảnh hiện nay. Được biết, tại khu vực phía Bắc, Công ty An Thái cũng đang đàm phán với đối tác Nhật Bản nhằm đặt “một chân” vào thị trường khó tính này.


Các bài đọc nhiều:

Cứu DN bất động sản, phải kích cầu đầu ra

Cầu vượt lắp ghép đầu tiên ở Thủ đô sắp thông xe

Tắc đầu ra: DN phá sản theo dây chuyền

Khủng hoảng thừa xi măng, sắt thép

Thị trường thép “nằm im” theo bất động sản

Hàng đổi hàng: Cuộc chơi may rủi


(Theo ĐTCK)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu