Nhằm cải thiện điều kiện ở cho người dân, UBNDTP Hà Nội chủ trương cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ triển khai các dự án vẫn còn rất chậm
Lý do là vì những vướng mắc về nguồn vốn đầu tư, cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, ở một số dự án còn chưa có sự đồng thuận từ phía người dân.
Tại dự án cải tạo, xây dựng lại 16 nhà khu B Kim Liên (quận Đống Đa), thành phố mới đầu tư xây dựng được hai nhà B7-B10 bằng nguồn vốn ngân sách. Do điều kiện kinh phí hạn chế cùng với việc xóa bỏ bao cấp về nhà ở, thành phố không thể đầu tư cải tạo, xây dựng lại hàng loạt các khu chung cư cũ, xuống cấp mà chuyển sang hướng xã hội hóa theo nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố. Trong đó, dự án khu B Kim Liên được thành phố xem xét là một trong ba dự án thí điểm, giao cho Tổng công ty Xây dựng Sông Hồng nghiên cứu lập dự án cải tạo và xây dựng lại toàn khu. Hiện tại, Công ty đã phê duyệt dự án, hoàn thiện hồ sơ hai nhà B4 và B14 Kim Liên để chuẩn bị đấu thầu khởi công. Tổng công ty cũng đang sửa chữa tạm nhà B7, B10 cũ làm quỹ nhà tạm cư; dự kiến sẽ công bố chi tiết phương án đền bù đến các hộ dân, tổ chức di chuyển các hộ đã chấp thuận phương án đền bù tạm cư trong tháng 12 này.
Tuy nhiên, theo chủ đầu tư, hiện tại vẫn còn 25 hộ dân đang sinh sống trên phần diện tích cơi nới của sân nhà B7, B10 cũ, việc di chuyển, tái định cư của các hộ dân này cũng gây khó khăn nếu không có sự hỗ trợ và chấp thuận, phê duyệt của thành phố về phương án giải phóng mặt bằng. Một số hộ dân tầng 1 nhà B4 còn tư tưởng chưa thông về chủ trương triển khai thực hiện dự án.Về nguyên tắc tái định cư các hộ dân được thể hiện ngay trong dự án cải tạo các khu chung cư cũ đồng bộ về hạ tầng, không có sự phân biệt hạ tầng kỹ thuật giữa các hộ tái định cư và các diện tích kinh doanh. Việc tính toán các hộ tái định cư dựa trên diện tích hợp pháp của các hộ đang sử dụng hoặc sở hữu, đảm bảo nguyên tắc kết hợp hài hòa 3 lợi ích người dân- doanh nghiệp- thành phố.
Còn tại dự án xây dựng lại khu I1, I2, I3 tập thể Nam Thành Công, sau gần 3 năm được thành phố giao làm chủ đầu tư, đến nay, Công ty Điện tử Hà Nội mới tiến hành xong các thủ tục thuê đất với Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất. Mọi công việc như khảo sát, điều tra hiện trạng các hộ dân, đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu nhà tái định... là nguyên nhân gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện dự án. Hơn nữa, do hạn chế từ phía chủ đầu tư, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng các công trình nhà ở cao tầng liên quan đến tái định cư nên phần lớn các hộ dân không thông suốt, đề nghị được cấp sổ đỏ theo Nghị định 61/CP và cho rằng nhà I1, I3 chưa ở trong tình trạng nguy hiểm.
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố đang xem xét chuyển chủ đầu tư dự án cho doanh nghiệp khác để sớm đưa dự án vào triển khai theo đúng tiến độ. Đồng thời, cũng sẽ tổ chức giám định lại chất lượng công trình nhà I1, I2, I3 theo các quy định mới do Bộ Xây dựng ban hành về chất lượng và mức độ nguy hiểm. Theo đó, nếu kết quả xác định thuộc diện công trình nhà ở nguy hiểm sẽ tổ chức phá dỡ để xây dựng lại, sẽ tổ chức di chuyển các hộ dân không chờ thỏa thuận. Các hộ dân được đảm bảo quyền lợi về tái định cư theo quy định chung của thành phố. Qua khảo sát, nhà I1, I2, I3 trước đây được xây dựng trên khu vực nền đất yếu, hạn chế về tài chính và kỹ thuật. Hiện cả 3 công trình đều ở trong tình trạng xuống cấp. Đối với nhà I2 đã có giám định của cơ quan quản lý chất lượng công trình là nhà nguy hiểm.
(Theo Bộ TN-MT)