SearchNews

Thiếu cân đối ở các đô thị khu công nghiệp

18/04/2007 11:35

Hệ thống các khu công nghiệp, chế xuất của nước ta bắt đầu phát triển từ những năm đầu thập niên 90. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều vấn đề nảy sinh, trong đó việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp khiến đô thị mất cân đối.

Hệ thống các khu công nghiệp, chế xuất của nước ta bắt đầu phát triển từ những năm đầu thập niên 90. Bên cạnh những mặt tích cực, nhiều vấn đề nảy sinh, trong đó việc phát triển ồ ạt các khu công nghiệp khiến đô thị mất cân đối.

Sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất ở VN đã góp phần quan trọng vào công cuộc giải quyết công ăn việc làm, nâng cao dân trí, tạo nguồn thu quốc gia và thực hiện các chính sách xã hội. Tuy vậy, sự phát triển của các khu vực này hơn 15 năm qua đã đặt ra nhiều vấn đề cho ngành quy hoạch, kiến trúc liên quan đến sự phát triển của đô thị ở những nơi này. Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, thì: "Sự phát triển các khu công nghiệp của nước ta đã nhanh hơn tốc độ phát triển đô thị. Việc đầu tư cho phát triển đô thị ít hơn phát triển công nghiệp, nhất là các hạ tầng khung cho đô thị có tiềm năng phát triển trong tương lai”.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, Nguyễn Văn Hiệp, một trong những tỉnh thành có tốc độ phát triển các khu công nghiệp, chế xuất hàng đầu cả nước, thì khi quy hoạch các khu công nghiệp, người ta không chú ý đến quy hoạch đô thị và tốc độ phát triển đô thị hiện nay. Cụ thể, những năm 1995, các nhà quy hoạch đã cho ra đời khu công nghiệp Tân Bình nhưng không tính đến đô thị thành phố tiến về phía tây bắc. Đến nay quận Tân Bình đã trở thành nội thành vì vậy khu công nghiệp Tân Bình đã nằm ở nội thị - điều chưa hợp lý khi quy hoạch ở đô thị lớn. Vì thế, hằng ngày ở khu vực các đường Trường Chinh, Tân Kỳ Tân Quý… luôn xảy ra tắc đường vào giờ cao điểm. Ngoài ra, ở đâu có khu công nghiệp, có nhà máy là xuất hiện các khu ổ chuột, khu nhà xập xệ cho công nhân thuê.

Đâu là giải pháp?

Theo KTS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) thì nếu biết kết hợp sự phát triển các khu công nghiệp, chế xuất với phát triển đô thị thì chúng ta sẽ có được những đô thị lý tưởng. Ông Ân cho rằng, hầu hết các khu công nghiệp hiện nay đều bám vào các vùng vành đai thành phố thì mới thu hút được nguồn lao động.

Nếu các nhà quy hoạch lấy các khu công nghiệp làm hạt nhân để phát triển các đô thị liền kề chắc chắn sẽ vừa giải quyết được nhu cầu nhà ở công nhân vừa hạn chế được sự phát sinh của “đô thị nhà trọ”, như ví dụ của TP Nhơn Trạch nằm ngay khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai). "Đây sẽ là thành phố lý tưởng vào năm 2020 không chỉ cho người Đồng Nai mà cho cả công nhân làm việc tại TP HCM khi các phương tiện giao thông hiện đại như xe điện ngầm, xe buýt cao tốc… phát triển", ông Ân nói.

Việc phát triển các khu công nghiệp một cách tự phát, chưa hợp lý đã dẫn đến những tác động không tốt đến sự phát triển của những vùng dân cư xung quanh. Nhiều khu đã bị kêu ca vì tình trạng hạ tầng xuống cấp, khí thải, chất thải không được xử lý tốt gây ô nhiễm môi trường xung quanh… KTS Nguyễn Thúc Hoàng, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam phân tích về sự manh mún khi các khu công nghiệp được quản lý nhỏ lẻ bởi các địa phương khác nhau dẫn đến sự mất cân đối cả trong quy hoạch lẫn quản lý. Ông cho rằng, để giải quyết các mâu thuẫn giữa phát triển công nghiệp và đô thị, các tỉnh thành phải đặt lợi ích chung của đất nước lên trên lợi ích của địa phương. Ông Hoàng kiến nghị: “Không thể để sự manh mún của các khu công nghiệp tồn tại chỉ vì ranh giới của các địa giới hành chính mà dẫn đến sự khác nhau về quy mô, cấp độ, nội dung, hình thức, quy hoạch kiến trúc, môi trường... ở đô thị các vùng phát triển khu công nghiệp”.

(Theo SGGP)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu