Đến nay, hầu hết các địa phương đều không có sẵn nguồn tài sản nhà đất để phục vụ tái định cư, trong khi quỹ nhà đất dôi dư, đất chưa có người sử dụng gần như không còn. Nhà thuộc sở hữu Nhà nước dôi dư lại càng không có.
Hiện nay, chỉ có một số ít địa phương như Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Quảng Ninh... có nguồn thu ngân sách tương đối lớn, UBND các tỉnh, thành mới quyết định cấp vốn từ ngân sách địa phương để tạo lập, đầu tư xây dựng các khu (điểm) tái định cư, bố trí tái định cư bằng đất hoặc bằng nhà cho những người bị thu hồi đất của các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, nhìn chung công tác này vẫn còn nhiều vướng mắc.
Ông Trần Đức Phương, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, cho biết: "Hiện Hà Nội đang triển khai hơn 100 dự án dành cho tái định cư trên địa bàn 10/14 quận, huyện, không kể diện tích trên 10.000 ha đất với diện tích sàn gần 12.000 m2 tại các dự án khu đô thị mới phải dành cho nhu cầu tái định cư. Từ năm 2001 đến nay, Hà Nội đã bố trí được khoảng 9.000 hộ. Tuy nhiên số lượng này vẫn còn thấp so với yêu cầu, vì thế nhiều dự án vẫn bị chậm tiến độ do ách tắc khâu tái định cư.
Quỹ đất không thể đáp ứng nhu cầu
Cùng với việc xây dựng kéo dài, vừa xây dựng, vừa bán nhà tái định cư cho nên đến nay, nhiều khu tái định cư chưa quyết toán được kinh phí và quỹ nhà. Từ đó, dẫn đến việc thu hồi tiền ngân sách đã ứng trước cho xây nhà không kịp thời. Có trường hợp tiền thu về bán nhà do đơn vị thực hiện xây dựng quỹ nhà giữ, không nộp ngân sách, trong khi vốn cho xây dựng trước khu tái định cư hiện còn thiếu.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có khoảng 60-65% số hộ được mua nhà tái định cư và tìm đến nơi ở khác. 60% số hộ đang ở không hài lòng với một hoặc nhiều nội dung có liên quan đến thiết kế căn hộ, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực, chất lượng nhà, quản lý dịch vụ của chung cư, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, điều kiện để ổn định đời sống hoặc phát triển kinh tế tại nơi ở mới...
Dự kiến đến năm 2020, đất nông nghiệp của Hà Nội chỉ chiếm khoảng 25-30% đất tự nhiên. Từ nay đến 2010, quỹ nhà, đất tái định cư cần khoảng 25.000 lô đất căn hộ và khoảng 1.000 căn hộ chung chuyển để làm dự trữ cho các nhu cầu giải phóng mặt bằng các dự án đột xuất của thành phố và Trung ương. So với nhu cầu thì vẫn còn thiếu khoảng 9.000 căn hộ và khoảng 1.000 căn hộ làm quỹ nhà chung chuyển phục vụ cải tạo các khu chung cư cũ, xuống cấp. Đây là một bài toán khó đang đặt ra cho Hà Nội. Không chỉ ở các thành phố lớn, ngay cả các địa phương thuộc những vùng sâu, vùng xa cũng đang vướng mắc trong vấn đề tái định cư.
TS Đỗ Văn Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Trong thời gian qua, một số công trình thủy điện, hồ chứa có quy mô tái định cư lớn đã được triển khai thực hiện. Ví như dự án thủy điện Sơn La có quy mô di chuyển dân giải phóng mặt bằng với số lượng được ước tính trên 100.000 người thuộc 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Dự án thủy điện Tuyên Quang có quy mô di chuyển trên 23.000 người thuộc 3 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn..."
Như vậy, những hộ dân bị ảnh hưởng của các dự án này phải di chuyển tái định cư đều thuộc các tỉnh nghèo, miền núi phía Bắc mà phần lớn là đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực tế cho thấy việc tái định cư cho họ đang gặp nhiều khó khăn về đảm bảo đất.
Lập, thẩm định quy hoạch quá chậm
Tính đến nay, cả ba tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên mới di chuyển được 3.762/19.669 hộ theo quy hoạch tổng thể điều chỉnh. Hầu hết các hộ tái định cư được bố trí diện tích hẹp hơn và chất lượng đất xấu hơn so với nơi xuất cư. Nhiều nơi phải di chuyển hộ tái định cư đến vùng cao có điều kiện tự nhiên và văn hóa khác hẳn điều kiện nơi ở cũ. Trường hợp đồng bào vùng lòng hồ Sông Đà di chuyển lên các điểm tái định cư vùng cao như Tân Lập (Sơn La), Si Pa Phìn (Điện Biên) không quen thổ nhưỡng đã gây nhiều khó khăn về sinh hoạt và đời sống, một số hộ bỏ về nơi cũ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tiến độ lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu (điểm) tái định cư diễn ra rất chậm làm cho việc triển khai thực hiện các dự án chi tiết và cấp phát vốn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều điểm tái định cư đã được phê duyệt nhưng tính khả thi chưa cao, vì thực tế trên khu được quy hoạch còn thiếu nguồn nước, thiếu đất sản xuất so với bản quy hoạch đã được phê duyệt...
Thêm vào đó, do quy định hiện nay về giá đền bù đất sản xuất tăng, giá ngày công và vật liệu xây dựng tăng nhiều so với giá tính, trong khi theo quy hoạch chi tiết, Chính phủ chỉ quy định khống chế suất đầu tư bình quân 500 triệu đồng/hộ. Vì vậy, việc lập quy hoạch chi tiết của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn do phải đảm bảo cả yêu cầu đền bù đầy đủ và ổn định đời sống lâu dài cho dân, đồng thời vẫn phải đảm bảo không vượt mức vốn đền bù đã quy định.
Ngoài ra, còn phải kể đến một nguyên nhân nữa là năng lực thực hiện di dân, tái định cư của các ban, ngành ở địa phương và các đơn vị tư vấn còn nhiều yếu kém, làm ảnh hưởng đến tiến độ công tác lập quy hoạch và thẩm định các dự án.
Nhiều đơn vị tư vấn được tỉnh lựa chọn là những đơn vị chuyên về xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, kiến trúc), nhưng lại ít am hiểu về lĩnh vực quy hoạch tái định cư. Vì vậy, họ rất lúng túng trong việc lập quy hoạch chi tiết và thường không có các phương án sản xuất khi quy hoạch khu tái định cư. Những vấn đề trên đang là thách thức lớn trong công tác ổn định dân sau tái định cư cũng như thực hiện dự án theo đúng tiến độ đề ra.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: "Việc tái định cư hàng loạt các hộ dân ngoại thành hoặc ở các vùng nông nghiệp khác để lấy đất cho các dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp hoặc dự án thủy điện lớn thì cần lập dự án tái định cư riêng rẽ. Dự án phải được quản lý nghiêm túc như bất kỳ dự án đầu tư xây dựng nào bởi những đơn vị tư vấn quản lý chuyên nghiệp".
Các dự án loại này phải tiến hành điều tra xã hội học rất cẩn thận để nắm vững nhu cầu, phong tục tập quán, phương thức kiếm sống và thực trạng cuộc sống và thu nhập của người dân, tránh lấy ý kiến của dân một cách hình thức và cách làm thiếu trách nhiệm hoặc phô trương, xa vời thực tế.
(Theo TBKTVN)