Luật sư Trịnh Công Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, điểm g và điểm h thuộc Khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng năm 2014 quy định về các công trình không cần giấy phép sửa chữa, gồm: Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc; công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình.
Trường hợp cần xin cấp giấy phép cải tạo, sửa chữa lại là trường hợp cải tạo, xây dựng khiến kết cấu chịu lực, công năng sử dụng thay đổi hoặc làm ảnh hưởng tới an toàn công trình và môi trường.
|
Hình ảnh một căn nhà đang trong quá trình thi công sửa chữa tại TP.HCM. (Ảnh: HTD) |
Theo quy định nêu tại Điều 96, Luật Xây dựng, khi cần xin giấy phép sửa nhà, gia chủ làm "đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà ở" gửi đến UBND cấp huyện kèm bản vẽ, ảnh chụp hiện trạng của bộ phận, hạng mục công trình, nhà ở riêng lẻ đề nghị được cải tạo. Cùng với đó là bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng nhà ở theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sau khi được cấp giấy phép cải tạo, chủ nhà phải tổ chức sửa chữa trong thời hạn 12 tháng. Giấy phép sửa chữa sẽ hết hiệu lực nếu quá thời hạn trên. Trường hợp giấy phép hết thời hạn, chủ nhà sẽ phải xin lại giấy phép nếu muốn tiếp tục thi công hoặc phải làm đơn xin điều chỉnh giấy phép nếu muốn điều chỉnh hạng mục sửa chữa. Trường hợp chủ nhà chưa thể tổ chức sửa chữa nhà sau 12 tháng thì có thể xin gia hạn giấy phép.
Đồng thời, giới chuyên gia cũng khuyên rằng, trước khi quyết định sửa nhà, chủ nhà cần tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng về chi phí. Thông thường, kinh phí sửa nhà sẽ phát sinh so với dự toán ban đầu. Gia chủ vì thế nên chuẩn bị trước để tránh bị gián đoạn việc sửa nhà.
Theo Pháp Luật Tp.HCM Online