SearchNews

Hợp đồng mua bán BĐS được thừa phát lại lập vi bằng có hợp lệ hay không?

22/03/2018 07:13

Hỏi: Tôi định mua một mảnh đất có sổ chung qua môi giới địa ốc. Theo môi giới, họ sẽ lập cho tôi một bản vi bằng do 3 bên đứng ra làm chứng nếu tôi quyết định mua mảnh đất này.

Ba bên gồm bên bán, người mua đất và một người thuộc cơ quan pháp lý. Trong đó, người bên cơ quan pháp lý do công ty môi giới thuê đến tại công ty để ký vi bằng cho hai bên mua án.

Vậy xin luật sư cho biết có hợp lệ không khi tôi mua mảnh đất này và có bản vi bằng nói trên? Liệu có rủi ro trong giao dịch không?

Chân thành cảm ơn!

rina_trang@thrive...

chuyển nhượng nhà đất
Chứng thực, công chứng là điều kiện tiên quyết để một giao dịch về chuyển nhượng nhà đất có hiệu lực.

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, phải công chứng, chứng thực hợp đồng thế chấp, tặng cho, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Còn nếu một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì được chứng thực, công chứng theo yêu cầu của các bên.

Pháp luật hiện hành quy định rõ, pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận giá trị pháp lý của bất kỳ hình thức hợp đồng chuyển nhượng nào được lập mà không được công chứng, chứng thực đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng và chuyển nhượng bất động sản nói chung. Về mặt hình thức, chứng thực, công chứng là điều kiện tối quan trọng để một giao dịch về chuyển nhượng nhà đất có hiệu lực. Điều này không áp dụng với trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, hợp đồng chuyển nhượng được thừa phát lại lập vi bằng trong trường hợp của bạn chưa đủ điều kiện về hình thức. Do vi phạm về hình thức theo quy định của pháp luật, tòa án có thể tuyên bố hợp động này vô hiệu. Mặt khác, về sau bạn cũng không thực hiện các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đứng tên chủ sử dụng thửa đất bởi vướng việc lập hợp đồng được chứng nhận bởi thừa phát lại này.

Luật sư Nguyễn Thanh Hiền
(Công ty Luật TNHH ATIM)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu