SearchNews

Mẹ chồng tôi đứng tên ngôi nhà vợ chồng mua trong thời kỳ hôn nhân

05/10/2018 09:48

Hỏi: Vợ chồng tôi mua một căn nhà trong thời kỳ hôn nhân. Tôi cùng đứng tên ký vay ngân hàng để mua nhà. Tuy nhiên, mẹ chồng tôi là người sở hữu ngôi nhà này.

Để phòng tôi giành tài sản khi ly hôn nên anh ấy không đứng tên sổ đỏ. Vậy xin hỏi luật sư, tôi có được quyền đòi chia tài sản đó nếu ly hôn? Ngôi nhà thuộc về ai khi mẹ chồng tôi mất? Hiện tại, mẹ chồng tôi đã lớn tuổi, không có thu nhập riêng.

Chân thành cảm ơn!

(Lưu Thúy)

tài sản chung vợ chồng
Việc phân chia tài sản chung là ngôi nhà khi ly hôn sẽ gặp nhiều khó khăn nếu mẹ chồng đứng tên sổ đỏ.

Trả lời:

Theo thông tin mà bạn cung cấp, luật sư tư vấn như sau:

Điều 33, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ: "1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung."

Vợ chồng bạn mua căn nhà trong thời kỳ hôn nhân nên là tài sản chung của cả hai người. Chồng bạn để mẹ mình đứng tên sổ đỏ nên mẹ chồng bạn là chủ sở hữu ngôi nhà (theo Khoản 2, Điều 221, Bộ luật Dân sự năm 2015). Do đó, nếu vợ chồng bạn ly hôn, việc chia tài sản chung là ngôi nhà sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Theo Điều 59, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, bạn có quyền thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn. Đồng thời, bạn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết nếu thỏa thuận này không thành.

Tuy nhiên, bạn cần thu thập đầy đủ, giao nộp cho tòa án chứng cứ, tài liệu để bác bỏ quyền sở hữu ngôi nhà của mẹ chồng bạn cũng như chứng minh nguồn gốc tiền mua nhà là của vợ chồng bạn và vay ngân hàng trong thời kỳ hôn nhân.

Chứng cứ quan trọng để tòa án bảo về quyền lợi hợp pháp của bạn (theo Điều 91, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015) là giấy vay tiền ngân hàng có chữ ký của bạn.

Một trong hai trường hợp sau có thể xảy ra khi mẹ chồng bạn qua đời:

Một là, ngôi nhà sẽ là di sản thừa kế (theo Điều 626, Bộ luật Dân sự) nếu mẹ chồng lập di chúc để lại cho chồng bạn căn nhà này. Theo Điều 43, Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, ngôi nhà sẽ là tài sản được thừa kế riêng của chồng bạn trong thời kỳ hôn nhân. Chồng bạn có quyền sử dụng, chiếm hữu, định đoạt riêng (theo Điều 44, Luật hôn nhân và gia đình).

Hai là, căn nhà sẽ là di sản thừa kế theo pháp luật (theo Điều 650, Bộ luật Dân sự) trong trường hợp mẹ chồng bạn chết không để lại di chúc. Theo Điều 651, Bộ luật Dân sự, tài sản đó sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của mẹ chồng bạn, gồm: Chồng, mẹ đẻ, bố đẻ, mẹ nuôi, bố nuôi, con nuôi và con đẻ của người chết. 

Luật sư Nguyễn Văn Thịnh
(Văn phòng Luật sư số 5 Hà Nội)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu