SearchNews

Quy định về giảm, miễn tiền sử dụng đất đối với hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số

07/11/2018 16:18

Hỏi: Năm 2014, bố mẹ để lại cho tôi tài sản thừa kế là một mảnh đất đã có sổ đỏ. Lúc bấy giờ tôi đã khai nhận thừa kế, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền. Gia đình tôi mua thêm một thửa đất nữa vào năm 2017. Đây là đất trồng cây lâu năm. Vậy xin hỏi luật sư, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất này sang đất ở, gia đình tôi được giảm tiền sử dụng đất hay không?

Mức giảm tiền sử dụng đất cụ thể như thế nào? Tôi là người dân tộc thiểu số, thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. 

Chân thành cảm ơn!

Mạc Văn Hải (Nghệ An)

quy định về miễn, giảm tiền sử dụng đất
Việc thu tiền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15/5/2014. ​(Ảnh minh họa)

Trả lời:

Việc thu tiền sử dụng đất được quy định tại Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15/5/2014 (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, nay vẫn còn hiệu lực): "Giảm 50% Tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các địa bàn không thuộc phạm vi quy định tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định này khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất; công nhận (cấp Giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất lần đầu đối với đất đang sử dụng hoặc khi được chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở."

Mặt khác, theo Khoản 2, Điều 13, Thông tư số 76/2014/TT-BTC, ban hành ngày 16/6/2014 về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 15/5/2014 quy định đối với việc thu tiền sử dụng đất (chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2014, nay vẫn còn hiệu lực): "Hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được miễn Tiền sử dụng đất phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; vùng biên giới, hải đảo theo quy định của pháp luật về danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới hải đảo."

Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP quy định như sau: "Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm Tiền sử dụng đất thì chỉ được miễn hoặc giảm một lần trong trường hợp: Được Nhà nước giao đất để làm nhà ở hoặc được phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang làm đất ở hoặc được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở."

Theo thông tin mà ông Hải cung cấp thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đã được Nhà nước cấp cho bố mẹ của ông Hải (người sử dụng đất lúc bấy giờ). Có thể, tại thời điểm đó bố mẹ ông đã được giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất. Sau đây là 2 trường hợp có thể xảy ra:

Trường hợp thứ nhất: Ông Hải và bố mẹ ông không cùng một hộ gia đình và không chung nhau sử dụng thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận lần đầu. Trong trường hợp này, ông Hải không bị ảnh hưởng bởi việc bố mẹ của ông được giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất hay không. Có nghĩa là, ông Hải được coi như chưa từng được giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất một lần.

Hiện tại, nếu ông Hải dự định chuyển mục đích sử dụng mảnh đất mới mua thì theo Khoản 1, Điều 12, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP, ông vẫn thuộc diện được giảm tiền sử dụng đất với điều kiện ông là người dân tộc thiểu số, hộ khẩu thường trú tại địa phương nằm trong vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Khi đó, ông Hải được giảm 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở tại địa phương.

Trường hợp thứ hai: Lúc bố mẹ ông Hải còn sống, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ gia đình do bố hoặc mẹ là chủ hộ, đồng thời ông là một thành viên có quyền sử dụng đất chung với bố mẹ mình.

Mặt khác, nếu khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu, gia đình ông Hải đã được giảm hoặc miễn tiền sử dụng đất thì vụ việc sẽ được đối chiếu theo Khoản 1, Điều 10, Nghị định số 45/2014/NĐ-CP. Tiền sử dụng đất sẽ được miễn hoặc giảm một lần khi chuyển mục đích sử dụng từ đất khác sang đất ở hoặc khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Đối với trường hợp này, gia đình ông Hải sẽ không được miễn tiền sử dụng đất nữa khi chuyển mục đích sử dụng đất. 

Luật sư Trần Văn Toàn
(Văn phòng luật sư Khánh Hưng, Đoàn luật sư Hà Nội)

Tin đã lưu

Xóa tất cả
Tin đã lưu
Tin đã lưu